Sự suy thoái, ô nhiễm nguồn nước mặt trên LVS Hồng – Thái Bình P1

LTS: Lưu vực sông Hồng – Thái Bình là một trong những lưu vực sông lớn của Việt Nam. HIện nay, vấn đề ô nhiễm LVS được đặc biệt quan tâm nhất là nguồn nước mặt. Qua công tác điều tra, đánh giá và khảo sát của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, tài nguyên nước mặt của LVS này đang phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ và cần sự quan tâm cũng như các cấp các ngành từ Trung ương tới địa phương để đảm bảo an ninh nguồn nước, hướng tới phát triển bền vững.

Trong LVS Hồng – Thái Bình thì sông Hồng là con sông lớn, dòng chính sông Hồng chảy qua 9 tỉnh, thành phố và đem lại lợi ích trực tiếp cho hàng chục triệu người dân và các hoạt động phát triển KT-XH trong khu vực. Tuy nhiên, sông Hồng đã và đang bị ô nhiễm tại một số khu vực.

Kết quả quan trắc môi trường khu vực đầu nguồn thuộc tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang,… cho thấy phần lớn các chỉ tiêu đều nằm trong ngưỡng A1 của QCVN 08:2015/BTNMT. Nước sông Hồng có hàm lượng chất hữu cơ thấp nhưng độ pH tương đối cao đi cùng với lượng phù sa lớn, nên trong một số thời điểm quan trắc, giá trị tổng lượng sắt đôi khi vượt QCVN.

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, vào mùa khô thường xuất hiện tình trạng ô nhiễm bất thường, nước sông đục, có nhiều bọt,… trong thời gian ngắn từ 3 – 5 ngày. Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân thay đổi đột ngột chất lượng nước sông Hồng có thể do nước thải hoặc ô nhiễm từ đầu nguồn.

Sông Hồng qua Phú Thọ, Vĩnh Phúc có giá trị các thông số COD, BOD5 và TSS đều vượt QCVN A1. Tại một số điểm quan trắc trên sông Hồng nằm gần các nhà máy, xí nghiệp, các khu vực tập trung sản xuất công nghiệp thì giá trị các thông số này thậm chí xấp xỉ QCVN B1. Số liệu quan trắc của Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ năm 2011 cho thấy, đoạn sông Hồng đi qua Công ty Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đến tận khu vực công nghiệp phía Nam thành phố Việt Trì, các thông số COD, BOD5 và TSS đều vuợt QCVN B1 từ 1,5 đến trên 2 lần (thông số TSS thậm chí vượt QCVN B1 đến gần 4 lần tại điểm quan trắc gần cửa xả Công ty Cổ phần Giấy Việt Trì)

Đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội dài khoảng 150 km, kéo dài từ huyện Ba Vì tới huyện Phú Xuyên, có vị trí quan trọng trong cung cấp nước phục vụ nhu cầu tưới tiêu nông nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt và cũng là nơi tiếp nhận nguồn nước thải. Kết quả quan trắc chất lượng nước sông Hồng tại Hà Nội của Sở TN&MT Hà Nội năm 2010 cho thấy giá trị các thông số DO, BOD5 và COD đều nằm trong QCCP. Tuy nhiên, hàm lượng các thông số này vào mùa lũ thường cao hơn so với mùa khô có thể do sự rửa trôi các chất ô nhiễm từ thượng nguồn về.

So với các sông khác trong vùng, sông Hồng có mức độ ô nhiễm thấp hơn. Đoạn sông Hồng chảy qua thủ đô Hà Nội, các thông số ô nhiễm thường xấp xỉ ngưỡng A1 của QCVN 08:2015/ BVMT.

Lưu vực sông Cầu: Nhìn chung chất lượng nước sông Cầu thời gian qua đã bị suy giảm, nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là các đoạn sông chảy qua các đô thị, KCN và các làng nghề, thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Trong vài năm gần đây, với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, chất lượng nước sông Cầu đã và đang được cải thiện.

Sông Cầu từ thượng nguồn trước khi vào thành phố Thái Nguyên: Đoạn thượng nguồn, nước sông còn giữ được tính tự nhiên vốn có do chảy qua vùng dân cư thưa thớt và các hoạt động công nghiệp chưa phát triển mạnh. Nhìn chung, chất lượng nước của đoạn sông này còn tương đối tốt, các chỉ tiêu chất lượng nước cho đến nay vẫn đảm bảo giới hạn cho phép đối với nguồn nước mặt loại A1 và A2 (QCVN 08:2015/BTNMT) trừ một số đoạn sông suối phụ lưu cấp 1, 2 chảy qua các khu khai thác mỏ, khu tuyển quặng, đào đãi khoáng sản tự do,…

Sông Cầu từ thành phố Thái Nguyên đến hết tỉnh Thái Nguyên: Đoạn trung lưu là khu vực đã có mức độ phát triển cao với đa dạng các hoạt động kinh tế thuộc nhiều loại hình và ngành nghề. Theo thống kê, đoạn sông này đã và đang tiếp nhận một lượng lớn nước thải từ các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt, dịch vụ làm cho chất lượng nước suy giảm nhiều (riêng tỉnh Thái Nguyên sử dụng khoảng 300 triệu m3 nước/năm cho các hoạt động công nghiệp).

Tại nhiều nơi, vào những tháng mùa kiệt, khi nước ở thượng nguồn ít, có nhiều chỉ tiêu không đạt nguồn loại B, các loài thủy sinh gần như không sinh sống được. Nhìn chung, hầu hết các thông số quan trắc của đoạn sông này đều không đạt QCVN A1, một số điểm như Cầu Trà Vườn, giá trị thông số NH4+ còn vượt quá QCVN B1, tuy nhiên, hàm lượng các thông số có xu hướng giảm qua các năm.

Đoạn sông Cầu qua Bắc Ninh, Bắc Giang, phần lớn các điểm quan trắc đều có giá trị các thông số vượt QCVN A1, thậm chí vượt hoặc xấp xỉ QCVN B1. Bên cạnh đó, giá trị một số thông số như COD, BOD5, NH4+ có xu hướng tăng, điều này cho thấy chất lượng nước đang bị suy giảm.

Hiện nay, nước sông Cầu có lưu lượng cát và chất lơ lửng ngày càng tăng do các hoạt động khai thác khoáng sản (cát, sỏi,…). Thời gian tới, nếu không được quản lý và kiểm soát chặt chẽ thì hàm lượng các chất này sẽ càng cao.

Sông Ngũ Huyện Khê: Sông Ngũ Huyện Khê là một trong những điển hình ô nhiễm nghiêm trọng của LVS Cầu do hoạt động của các cơ sở sản xuất và đặc biệt là các làng nghề trải suốt dọc sông từ Đông Anh (Hà Nội) cho đến cống Vạn An (Bắc Ninh). Hầu hết nước thải các cơ sở sản xuất đều chưa được xử lý và xả trực tiếp ra sông. Nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng và chất lượng nước không thay đổi nhiều qua các năm.

Nhìn chung, nước sông Ngũ Huyện Khê bị ô nhiễm bởi các chất hữu cơ và các chất lơ lửng cao hơn QCVN A2 hàng chục đến hàng trăm lần tùy từng thời điểm. (còn nữa)