Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long (KTTĐ ĐBSCL) bao gồm 4 tỉnh thành: TP Cần Thơ, các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau. Đây là vùng cực nam của đất nước đóng vai trò quan trọng đối với đồng bằng nam Bộ, có mối quan hệ chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ.
Nhận thức được tầm quan trọng của nó, ngày 16 tháng 4 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 492/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thành lập Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là: thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, tỉnh Kiên Giang và tỉnh Cà Mau. Phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 để phát huy những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng nhằm xây dựng vùng KTTĐ đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông thủy sản của cả nước. Ngoài ra, Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL còn đóng vai trò quan trọng chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp giống, các dịch vụ kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cho cả vùng ĐBSCL.
Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất trũng, chịu ảnh hưởng trực tiếp của chế độ thủy triều và lũ sông Mê kông. Mặc dù chương trình thủy lợi thoát lũ ra biển Tây đã cải thiện phần nào điều kiện ngập lũ, song hiện tại vào mùa khô toàn vùng chịu nắng hạn, nước mặn xâm nhập tới 3/4 diện tích, mùa mưa chịu lũ lụt từ 4 – 6 tháng. Chính vì vậy cho đến nay việc khai thác tiềm năng của vùng đất này vẫn còn gặp nhiều khó khăn và trở ngại.
Nguồn nước sử dụng cho phát triển kinh tế, dân sinh ở tỉnh An Giang và TP. Cần Thơ cho đến nay phần lớn dựa vào nguồn nước mặt của hệ thống sông Hậu. Tuy nhiên về mùa khô, nguồn nước này bị hạn chế do nguồn nước sông đổ về ít, nước trong các kênh mương hầu hết bị phèn. Nước đáp ứng cho sinh hoạt và sản xuất ở 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang chủ yếu là nước dưới đất. Mùa mưa nước lũ dâng cao làm ngập lụt phần lớn diện tích vùng, nước đục do chứa lượng phù sa lớn và các chất hữu cơ gây nhiễm bẩn nguồn nước. Từ năm 2001, một số nơi trong bán đảo Cà Mau được chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi tôm, nên mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền, làm ngập mặn toàn tỉnh Cà Mau và phía nam tỉnh Kiên Giang.
Nguồn nước dưới đất hiện chưa được điều tra đánh giá trên tổng thể vùng. Việc khai thác nguồn nước này hiện nay vẫn còn hạn chế, một phần do vùng có nguồn nước mặt vẫn được sử dụng tuy nhiên biến động chất lượng và trữ lượng nguồn nước một cách khá bất lợi. Mặt khác, việc đánh giá tổng quan nước dưới đất trong toàn vùng chưa được quan tâm đúng mức, nên các thông tin dữ liệu nền đảm bảo hiệu quả cho công tác quản lý, điều tra, khai thác nguồn nước dưới đất còn thiếu.
Hiện nay, vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long đã thu hút được một số dự án đầu tư trong và ngoài nước, ngoài việc đòi hỏi nguồn nhân lực, đất đai… còn phải có nguồn nước có chất lượng ổn định. Mặt khác với chương trình “sống chung với lũ” được thực hiện theo chỉ đạo của Chính Phủ đã tạo điều kiện tập trung dân cư được sống dọc theo các bờ kênh lớn. Vì vậy việc cung cấp nước sạch phục vụ các cụm, tuyến dân cư trở nên rất cấp thiết.
Chính vì vậy, việc xây dựng dự án “Điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long” là rất cần thiết nhằm phục vụ việc quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội; đảm bảo an ninh quốc phòng; là tài liệu quan trọng phục vụ trực tiếp cho việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước dưới đất của vùng.