Quy trình công nghệ tích nước ngọt trong các tầng chứa nước mặn vùng đồng bằng sông hồng

Ở nước ta, vùng Đồng bằng sông Hồng được xem là vùng quan trọng tiềm ẩn nhiều triển vọng phát triển các ngành kinh tế tiến tới xây dựng nền kinh tế biển vững mạnh. Chính vì các lý do trên mà nhu cầu về nước cho dân sinh và cho phát triển kinh tế rất lớn. Song thực tế lại đang tồn tại trữ lượng nước nhạt vùng Đồng bằng sông Hồng đang có nguy cơ giảm sút do sự xâm nhập mặn. Vùng Đồng bằng sông Hồng có hàng loạt các đồng bằng cấu tạo bởi các trầm tích Kainozoi bở rời được phân chia thành 5 tầng chứa nước lỗ hổng nằm trên các đá cố kết khác nhau. Tầng chứa nước Holocen (qh) nằm ở trên cùng của mặt cắt phân bố rộng rãi, nước nhạt chỉ tồn tại ở dạng thấu kính, nước mặn và nước nhạt phân bố xen kẽ nhau cả theo diện và mặt cắt nên có trữ lượng nước nhạt không lớn. Do đó cần phải có quy trình công nghệ tích trữ nước nhạt trong các tầng chứa nước bị mặn để làm cho nguồn nước vào mùa mưa được lưu giữ lại trong các tầng chứa nước nhiễm mặn, cải thiện chất lượng nước đáp ứng nhu cầu khai thác sử dụng vào mùa khô.

Vấn đề ở đây không phải là vùng Đồng bằng sông Hồng thiếu nước, mà là thiếu quy trình công nghệ tích trữ nước nhạt trong các tầng chứa nước mặn, thiếu giải pháp điều phối nguồn nước giữa các mùa, thiếu giải pháp quy hoạch phát triển nguồn nước, để làm cho nguồn nước vào mùa mưa được lưu giữ lại trong các tầng chứa nước bị nhiễm mặn, cải thiện chất lượng nước đáp ứng nhu cầu khai thác sử dụng vào mùa khô.

Hiện nay trên thế giới có rất nhiều quy trình công nghệ lưu trữ nước nhạt trong các tầng chứa nước mặn, căn cứ vào đặc điểm của vùng Đồng bằng sông Hồng, một số công nghệ tích trữ nước nhạt trong tầng chứa nước mặn được đưa ra như: Nghiên cứu mô hình công nghệ thu gom nước bằng hệ thống hào, rãnh thu nước để lưu trữ trong các tầng chứa nước mặn; mô hình công nghệ thu gom nước bằng phương pháp bể thấm để lưu trữ trong các tầng chứa nước mặn; mô hình công nghệ thu gom nước bằng các giếng đào để lưu trữ trong các tầng chứa nước mặn; mô hình công nghệ thu gom nước bằng các giếng bơm ép nước để lưu trữ trong các tầng chứa nước mặn theo các quy trình sau:

– Nghiên cứu khảo sát, đo địa vật lý để có bộ số liệu nền về cấu trúc địa chất – địa chất thủy văn, ranh giới mặn nhạt của khu vực thử nghiệm và thông số đầu vào về nhiễm mặn nước dưới đất.

– Xây dựng mô hình dòng chảy nước dưới đất và mô hình lan truyền vật chất để dự báo khả năng hòa trộn nước mặt với nước dưới đất với các kịch bản nước dưới đất có độ tổng khoáng hóa khác nhau để thiết kế xây dựng mô hình công nghệ tích trữ nước ngọt trong các tầng chứa nước mặn một cách hiệu quả.

– Thiết kế và mô hình thí điểm công nghệ lưu trữ nước ngọt trong tầng chứa nước mặn.

DL17

– Thí nghiệm hút nước thí nghiệm nhằm xác định độ lỗ rỗng hữu hiệu và hệ số đặc tính phân tán thuỷ lực của tầng chứa nước phục vụ các tính toán và mô hình thuỷ động lực và lan truyền mặn trong tầng chứa nước mặn;

– Thí nghiệm ép nước nhằm mục đích xác định khả năng hấp thu của lỗ khoan hấp thụ của tầng chứa nước. phục vụ các tính toán và mô hình thuỷ động lực và lan truyền mặn trong tầng chứa nước mặn.

– Sử dụng phương pháp địa vật lý để quan trắc, giám sát phạm vi và quy mô của kho nước nhạt được lưu theo thời gian:

– Ứng dụng kỹ thuật đồng vị để nghiên cứu con đường di chuyển của nước được bổ sung trong kho lưu trữ nước ngọt để có chế độ khai thác phù hợp đảm bảo phát triển bền vững, lâu dài nguồn nước ngọt này.

Công nghệ tích trữ nước ngọt trong các tầng chứa nước mặn là một trong nhiều công nghệ được xem như một giải pháp cho sự thiếu hụt nước trong thế kỷ 21. Việc xây dựng quy trình công nghệ tích nước ngọt trong các tầng chứa nước mặn, đặc biệt là cho vùng đồng bằng sông Hồng có ý nghĩa quan trọng để giúp khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

(Hải Lý)