Quan hệ giữa xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và các yếu tố ảnh hưởng

Việt Nam có trên 3000 km bờ biển, tập trung hàng triệu người sinh sống và khai thác các nguồn lợi từ biển. Xâm nhập mặn diễn ra tại hầu hết các địa phương ven biển, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân, đặc biệt tại những cửa sông đổ ra biển. Hai đồng bằng rộng lớn của Việt Nam là Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là những nơi chịu ảnh hưởng lớn nhất của hiện tượng này. Nhiều giải pháp đã được đưa ra, phần nào hạn chế được tình trạng xâm nhập mặn nhưng trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp thì trong thời gian tới, hiện tượng xâm nhập mặn vẫn là mối đe dọa lớn đến đời sống các khu vực này, đặc biệt là khu vực ĐBSCL, vựa lương thực của cả nước.

Lượng nước ngọt từ thượng lưu chảy về có tác dụng pha loãng nước mặn theo triều từ biển truyền vào và do đó đẩy lùi mặn ra phía cửa sông. Chính vì vậy, những năm mặn xâm nhập sâu vào trong hệ thống sông, kênh rạch nội đổng ở ĐBSCL là những năm lượng nước sông Mê Công chảy vào ĐBSCL giảm đáng kể. Sự ảnh hưởng của chế độ dòng chảy đến xâm nhập mặn được thể hiện như sau:

– Do phụ thuộc vào chế độ dòng chảy nên chế độ mặn tại vùng cửa sông cũng biến đổi theo mùa trong năm: Vào mùa lũ, khi lượng nước lũ từ thượng lưu chảy về lớn, mặn không thể theo triều xâm nhập sâu vào trong sông, thậm chí ở một số nơi gần cửa sông không bị ảnh hưởng mặn; trái lại, vào mùa cạn, mặn xâm nhập sâu vào trong sông ngòi, kênh rạch; tức là tại cùng một vị trí gần cửa sông, độ mặn lớn trong mùa cạn và độ mặn thấp hoặc thậm chí không bị nhiễm mặn vào mùa lũ. Ở ĐBSCL, thông thường, từ tháng 7 đến tháng 12 mặn trong sông rất nhỏ thậm chí bằng không, ngoại trừ vùng gần cửa sông bị nhiễm mặn quanh năm chủ yếu vào mùa cạn và hầu như không đáng kể trong mùa lũ.

– Trong mùa cạn, cùng với sự suy giảm của lưu lượng dòng chảy từ thượng lưu đổ về, độ mặn cũng tăng lên và đạt giá trị lớn nhất vào giai đoạn triều cường và dòng chảy thượng nguồn nhỏ nhất. Ở ĐBSCL, dòng chảy sông Mê Công chảy vào ĐBSCL thường nhỏ nhất vào tháng 3 hay tháng 4, nên độ mặn lớn nhất cũng thường xuất hiện vào giai đoạn này. Cụ thể so sánh xâm nhập mặn những tháng đầu năm 2016 với cùng kỳ năm 2014 – 2015 dưới đây:

+ Khu vực sông Vàm Cỏ: Độ mặn lớn nhất so với cùng kỳ năm 2015 cao hơn từ 4,7 -7,4 g/l. Chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất có nồng độ 4 g/l đến 4/3/2016 là khoảng 90 – 93 km, so với cùng kỳ năm 2015 sâu hơn từ 35 – 40 km.

+ Khu vực các cửa sông thuộc sông Tiền: Độ mặn lớn nhất so với cùng kỳ năm 2015 cao 30 hơn từ 1,5 – 8,2 g/l. Chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất với nồng độ 4g/l đến ngày 4/3/2016 là khoảng 45 – 65 km, so với cùng kỳ năm 2015 sâu hơn 10-20 km.

+ Khu vực các cửa sông thuộc sông Hậu: Độ mặn lớn nhất nhất so với cùng kỳ năm 2015 cao hơn từ 2,8 – 6,4 g/l. Chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất với nồng độ 4g/l đến ngày 4/3/2016 là khoảng 55 – 60 km, so với cùng kỳ năm 2015 sâu hơn 15-20 km.

+ Khu vực ven biển Tây, trên sông Cái Lớn: Độ mặn lớn nhất so với cùng kỳ năm 2015 cao hơn từ 4,8 – 7,6 g/l. Chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất với nồng độ 4 g/l đến ngày 4/3/2016 là khoảng 60-65 km, so với cùng kỳ năm 2015 sâu hơn 20 – 25 km.

Hiện nay và dự báo trong thời gian tới, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp lớn, đồng thời lượng nước bốc hơi cao, kết hợp với những ngày triều cường, gió chướng mạnh nên xâm nhập mặn ĐBSCL đã, đang và sẽ diễn ra nhiều bất lợi cho sản xuất và đời sống sinh hoạt.