Phương pháp ước tính giá trị kinh tế sử dụng nước trong quy hoạch tài nguyên nước

Năm 1992 Dublin đã đề ra bộ nguyên tắc 4 điểm, các nguyên tắc đó đã được hoàn thiện trong những hội nghị tiếp theo đang được coi là nền tảng của công tác quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Trong đó nguyên tắc “nước là hàng hoá có giá trị kinh tế ” được coi là nền tảng để thay đổi nhận thức, thay đổi cách tiếp cận trong nghiên cứu, xây dựng và hoạch định chính sách quản lý tài nguyên nước.

Kinh tế tài nguyên nước là một ngành khoa học khá mới mẻ, mới được nghiên cứu từ những thập niên cuối của thế kỷ 20. Một số công trình đã nghiên cứu về kinh tế sử dụng tài nguyên nước như: Kinh tế trong quy hoạch sử dụng nước của tác giả Jame, LD & Lee, R.R; Giá trị kinh tế của nước, nguồn nước cho tương lai của Gibbons; Thị trường nước và vấn đề quản lý phi tập trung nguồn tài nguyên nước của Easter, K.W&Hearne; Ước tính giá trị kinh tế của nước trong việc lựa chọn sử dụng nước của Colby, B.G; Thị trường nước, tiềm năng và hoạt động của tác giả Easter, K.W; Rosegrant, M.W; Đo lường hiệu ích kinh tế khi đầu tư vào ngành nước và cơ chế chính sách của Robert A. Young; Rủi ro và lợi ích của toàn cầu hóa và tư nhân hóa nước sạch của Peter H.Gleick và các cộng sự; Khung thể chế trong một thị trường nước thành công của tác giả Manuel Marino và Karin E.Kemper; Kinh tế thể chế nước của R.Maria Saleth và Ariel Dinar; ….

Điển hình là J.I. Agudelo đã đưa ra những nguyên tắc và phương pháp xác định giá trị kinh tế tài nguyên nước (2001); Camp Dresser and McKee đã đưa ra những tính toán như: lợi ích sử dụng nước, chi phí phục hồi trả lại hiện trạng tài nguyên nước và dự báo chi phí khi các nhu cầu phát sinh ở Ireland (2002)….Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở dạng tham khảo, chưa được áp dụng trong quy hoạch và quản lý tài nguyên nước.

Có thể thấy rằng khoa học kỹ thuật và quản lý nguồn nước nhằm thể hiện cách chúng ta muốn tài nguyên nước hình thành và vận hành còn kinh tế tài nguyên nước lại cho thấy cách mà tài nguyên nước thực sự vận hành, nó cho biết phải đo lường cái gì và đo như thế nào sẽ giúp nhìn nhận các vấn đề liên quan đến nước trở nên rõ ràng và thực tế hơn.

Ở Việt Nam, giá trị kinh tế nguồn nước đã được xem xét trong các điều luật:

Phân vùng chức năng của nguồn nước (mục b, khoản 1 Điều 19 luật số 17/2012/QH13); Chức năng của nguồn nước là những mục đích sử dụng nước nhất định dựa trên các giá trị lợi ích của nguồn nước (khoản 21 Điều 2 luật số 17/2012/QH13).

Bảo đảm khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước và phân bổ hài hoà lợi ích sử dụng nước giữa các địa phương, các ngành, giữa thượng lưu và hạ lưu (mục c khoản 1 Điều 16 luật số 17/2012/QH13).

Nhà nước có chính sách đầu tư và có cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học…. khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước (khoản 4 Điều 4 luật số 17/2012/QH13).

Tăng giá trị kinh tế của nước thông qua nâng cao hiệu quả sử dụng nước của các ngành, các lĩnh vực (nội dung 6.5, Bước 6 – Quy hoạch phân bổ tài nguyên nước mặt, Thông tư 15).

Để đánh giá hiệu quả sử dụng tài nguyên nước của các hộ ngành; để giải quyết các vấn đề làm tăng giá trị nguồn nước hay phân tích hiệu quả trong việc chuyển nước trên lưu vực… thông qua việc tính toán giá trị kinh tế của nguồn nước có ý nghĩa quan trọng đối với việc lựa chọn phương án phát triển nguồn nước cũng như xây dựng chính sách đầu tư phát triển nguồn nước.

Đặc biệt, trong điều kiện tài nguyên nước có hạn và phải đối mặt với nhiều nguy cơ suy giảm nguồn nước (cả về chất và lượng) đặt ra yêu cầu cần phải có những chính sách phân bổ tài nguyên nước hợp lý vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vừa đảm bảo sự bền vững về mặt môi trường. Khi đó, tính toán giá trị nguồn nước cho các mục đích sử dụng làm cơ sở luận chứng lựa chọn cơ chế, chính sách, nguyên tắc và phương án phân bổ tài nguồn nước trên lưu vực là hết sức cần thiết.

Thực tế là hiện nay, các dự án Quy hoạch phân bổ tài nguyên nước đang được lập gặp không ít khó khăn và lúng túng khi xây dựng phương án quy hoạch, có thể về mặt phương pháp luận và công cụ kỹ thuật đã phần nào đáp ứng nhưng còn thiếu về công cụ tính hiệu quả kinh tế sử dụng nước để làm cơ sở luận chứng lựa chọn phương án phân bổ nước trong việc tìm kiếm sự đồng thuận của các hộ ngành khai thác sử dụng nước trên lưu vực.

Từ năm 2014- 2015, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu phương pháp ước tính giá trị kinh tế sử dụng nước trong quy hoạch tài nguyên nước, áp dụng thử nghiệm trên lưu vực sông Vệ”. Sông Vệ là một trong hai con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Ngãi (sau sông Trà Khúc). Lưu vực sông Vệ nằm trọn vẹn trong địa giới hành chính của tỉnh Quảng Ngãi bao gồm phần lớn diện tích của các huyện Ba Tơ, Minh Long, Mộ Đức, Nghĩa Hành và một phần diện tích của huyện Tư Nghĩa. Về tài nguyên nước mặt trên lưu vực, tính đến trạm An Chỉ tổng lượng dòng chảy năm trung bình nhiều năm là 2,05 tỷ m3 nước. Tài nguyên nước dưới đất đặc trưng bởi lưu lượng nước trong các tầng chứa nước có thể khai thác là gần 35 nghìn m3/ngày.

Đây là đề tài nghiên cứu tính toán giá trị kinh tế sử dụng nước, tiếp cận theo quan điểm kinh tế học. Các phương pháp, công nghệ áp dụng để tính toán phân tích đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới.

Tính toán giá trị của tài nguyên nước là một nhiệm vụ hết sức phức tạp, vì bản chất tính tất định và tính ngẫu nhiên của tài nguyên nước, vận động, thay đổi không ngừng theo không gian và thời gian (nguồn cung), thêm nữa, bên cầu là các hộ ngành khai thác sử dụng nước trên lưu vực bao gồm các ngành sử dụng nước có tiêu hao như: công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, sinh hoạt… và các ngành sử dụng nước không tiêu hao như: thủy điện, giao thông thủy, du lịch, giải trí…. để xác định giá trị kinh tế sử dụng nước của các ngành này đòi hỏi tính sẵn có và khả năng đáp ứng yêu cầu thông tin số liệu nguồn nước, đặc biệt là số liệu về kinh tế ngành bao gồm cả việc xác định các loại hình chi phí để làm ra và đưa đến các hộ sử dụng nước theo đơn vị 1 m3 nước là rất phức tạp. Do vậy, giai đoạn bước đầu này mới chỉ xem xét nghiên cứu phương pháp ước tính giá trị kinh tế sử dụng nước . Mặt khác, việc ước tính giá trị kinh tế sử dụng nước sẽ nhằm phục vụ trong các bài toán quy hoạch tài nguyên nước, cụ thể là phục vụ bài toán quy hoạch phân bổ tài nguyên nước trong việc luận chứng lựa chọn phương án phân bổ, nói cách khác là luận chứng lựa chọn phương án phân bổ dựa trên góc độ kinh tế sử dụng nước.  Tuy nhiên, thực tế là hiện tại chưa có quy định về phương pháp và tỷ lệ phân bổ nguồn nước giữa các hộ ngành sử dụng nước cạnh tranh, trong nhiều tình huống, sử dụng nước cho sinh hoạt thường được xem là có mức ưu tiên bảo đảm cao nhất vì ý nghĩa dân sinh, với các ngành còn lại như công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản … sẽ được xem xét, cân nhắc tìm kiếm và lựa chọn phương án tỷ lệ phân bổ một cách hài hòa hợp lý, khi đó mục tiêu và yêu cầu phân bổ một cách hài hòa hợp lý có còn được bảo đảm và liệu có được các hộ ngành thừa nhận nếu thiếu công cụ kinh tế hỗ trợ. Vì vậy, đề tài tập trung nghiên cứu phương pháp ước tính giá trị kinh tế sử dụng nướccho các ngành gồm công nghiệp, nông nghiệp và thủy sản trên lưu vực, sử dụng nước cho sinh hoạt vẫn được nghiên cứu xem xét trong bài toán quy hoạch phân bổ (nhu cầu sử dụng và phương trình cân bằng nước) và trong quy trình xác định giá trị giá trị kinh tế sử dụng nước hoàn chỉnh, giá trị kinh tế sử dụng nước cho sinh hoạt sẽ được lấy theo giá nước thị trường cung cấp nước sinh hoạt.

Theo quan điểm của kinh tế học giá trị được đưa ra theo 3 khái niệm riêng biệt: “cost” (tính đến chi phí – lợi ích), “price” (tính theo giá hàng hóa), “value” (tính theo giá trị thông qua sản xuất và hiệu quả sử dụng). Trong nội dung đề tài này sẽ tập trung xác định giá trị thông qua sản xuất và hiệu quả sử dụng – value.

Theo lý thuyết của kinh tế thị trường, quy luật cung cầu chi phối hoàn toàn. Cụ thể đối với tài nguyên nước, do mục đích lợi nhuận của ngành nên các hộ khai thác sử dụng tìm mọi cách để phân phối và sử dụng nguồn tài nguyên khan hiếm nhằm gia tăng lợi nhuận.Nhưng ngược lại, nguồn tài nguyên nước là có hạn và chịu ảnh hưởng trực tiếp của các hoạt động khai thác sử dụng nên khả năng đáp ứng là có hạn. Do đó, cần phải đồng thời xem xét khả năng nguồn nước (cung) và nhu cầu của các hộ ngành (cầu) và hiệu quả sử dụng của các hộ ngành và giá trị sản xuất mang lại của các hộ ngành. Như vậy, ước tính giá trị kinh tế sử dụng tài nguyên nước trong đề tài dựa trên quy luật giá thị trường, căn cứ theo đường cong cung – cầu đối với nguồn nước để xác định giá trị sử dụng nước và hiệu quả sử dụng nước của các hộ ngành (đề tài tập trung vào công nghiệp, nông nghiệp và thủy sản).

Giá trị kinh tế tài nguyên nước của các hộ ngành đã được xác định theo giá thị trường kết hợp với kết quả mô phỏng các phương án phân bổ nguồn nước theo các kịch bản phát triển kinh tế (WEAP) là đầu vào cho việc phân tích đánh giá hiệu quả kinh tế của các phương án sử dụng nước (thông qua công cụ đánh giá – mô hình WRAM). Từ đó, có thể xác định được hiệu quả kinh tế của các phương án phân bổ tài nguyên nước, đánh giá được hiệu quả sử dụng nước làm luận chứng cho việc lựa chọn phương án phân bổ (liên quan đến chia sẻ lợi ích) mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế. Bên cạnh đó, kết quả tính toán phân tích giá trị kinh tế tài nguyên nước và hiệu quả sử dụng nước là cơ sở cho việc nghiên cứu giải pháp nâng cao giá trị tài nguyên nước và các giải pháp phát triển tài nguyên nước.

Đề tài đã đưa ra được phương pháp luận ước tính giá trị kinh tế sử dụng nước cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp và thủy sản làm cơ sở luận chứng lựa chọn phương án quy hoạch phân bổ nguồn nước trên lưu vực; Đề xuất hệ phương pháp, nội dung và dự thảo quy trình tính toán giá trị kinh tế sử dụng nước trên lưu vực trong các dự án quy hoạch tài nguyên nước; Đưa ra được kết quả ước tính giá trị kinh tế sử dụng nước cho các phương án phân bổ nguồn nước lưu vực sông Vệ.

Kết quả của nghiên cứu phục vụ cho công tác lập quy hoạch tài nguyên nước, nâng cao giá trị sử dụng nước đảm bảo yêu cầu phát triển tài nguyên nước. Qua đó nghiên cứu có giá trị kinh tế đáng kể trong việc đảm bảo lợi ích kinh tế, giảm thiểu các tác động không mong muốn của việc lãng phí TNN, có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo kinh tế – xã hội và môi trường.

Sản phẩm của đề tài góp phần vào việc xác lập quan hệ khai thác sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, giúp các nhà chiến lược đưa ra các kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Tuy nhiên, đề tài áp dụng thử nghiệm trên lưu vực sông Vệ dựa trên số liệu tổng hợp thống kê của tỉnh Quảng Ngãi. Do đó khi ứng dụng vào thực tiễn cần lưu ý và có sự điều chỉnh đối với vùng, lưu vực hay tỉnh lân cận./.

(Thanh Loan- NAWAPI. Nguồn tham khảo: Chủ nhiệm đề tài)