Nội dung thực hiện và kết quả đạt được của công tác giải đoán ảnh viễn thám trong điều tra, đánh giá, lập bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1:50.000 cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Hiện nay công nghệ viễn thám và GIS được ứng dụng rộng rãi và rất có hiệu quả đặc biệt là ở các vùng có điều kiện giao thông đi lại khó khăn, tiết kiệm được khá nhiều thời gian. Phương pháp này được ứng dụng làm cơ sở xây dựng phương án, lộ trình điều tra, kết hợp với điều tra thực địa để xác định các đặc trưng hình thái sông ngòi và lưu vực, hiện trạng lớp phủ; xác định sơ bộ tầng chứa nước, nguồn lộ, vị trí hồ chứa, hồ tự nhiên… hỗ trợ công tác điều tra tài nguyên nước. Với tính ứng dụng cao đó, dự án “Điều tra, đánh giá, lập bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1:50.000 cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” đã lựa chọn phương pháp này để giải đoán ảnh viễn thám phục vụ đánh giá chi tiết tiềm năng, đặc điểm phân bố, trữ lượng, chất lượng tài nguyên nước vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Nội dung thực hiện như sau:

– Mục đích:

Đối với nước mặt: Nhằm xác định các thông tin về đặc điểm, đặc trưng hình thái sông, suối; các nguồn nước và công trình khai thác sử dụng nước; các đối tượng, khu vực trọng điểm như: đoạn sông bồi xói, sạt lở; phân lưu, nhập lưu; đoạn sông có hiện tượng ô nhiễm, suy thoái chất lượng nước làm cơ sở cho việc điều tra, khảo sát; phân tích, đánh giá tài nguyên nước mặt và các yếu tố liên quan trong vùng nghiên cứu.

Đối với nước dưới đất: Xác định vị trí, quy mô các đới phá hủy kiến tạo, các đới có triển vọng chứa nước, khu vực xuất lộ nước và các cấu trúc có thể lưu giữ nước; Giải đoán đặc điểm tài nguyên nước ở vùng núi cao có điều kiện giao thông phức tạp, đi lại khó khăn.

– Phạm vi:

Giải đoán ảnh vệ tinh tỷ lệ 1/50.000 trên toàn bộ phạm vi nghiên cứu của Dự án, trong đó yêu cầu phân tích giải đoán chi tiết tại các vùng núi cao (16.440 km2) và giải đoán sơ bộ tại các vùng trung du, đồng bằng ven biển (11.520 km2).

– Mức độ chi tiết:

Đối với nước mặt:

+ Phạm vi, sự phân bố của các nguồn nước mặt như: vị trí các vật thể chứa nước bề mặt, phạm vi mặt nước của sông suối, hồ, ao, đầm phá.

+ Đặc điểm hình thái sông, suối như: chiều dài sông, phạm vi và độ rộng lòng, bãi sông, đặc điểm địa hình (dốc, bằng phẳng) và loại hình thảm phủ thực vật ở lòng sông, bãi sông dọc các sông, suối.

+ Vị trí các công trình khai thác sử dụng nước như: cống, đập, trạm bơm, đê, kè…

+ Các khu vực đoạn sông, hồ ao có vấn đề như: đoạn sông bị bồi xói, sạt lở bờ, bãi sông; đoạn sông bị xâm nhập mặn; đoạn sông bị cạn kiệt, mất (đứt) dòng chảy; đoạn sông bị lũ lụt (ngập lụt, úng); đoạn sông, hồ ao bị ô nhiễm chất lượng nguồn nước mặt.

Đối với nước dưới đất:

+ Thành lập sơ đồ kết quả phân tích giải đoán ảnh, trên đó thể hiện các thông tin: Ranh giới các thành tạo địa chất, các cấu trúc địa chất lớn trong vùng, các đới nâng hạ kiến tạo, các đới dập vỡ, đứt gãy (dài hơn 2 km); các điểm lộ, sông ngầm và thành phần thạch học của đất đá.

Kết quả đạt được:

– Đối với tài nguyên nước mặt: dự án đã sử dụng ảnh viễn thám và các phần mềm số hóa bản đồ để xây dựng bộ bản đồ trạng thái mặt nước, báo cáo thuyết minh kết quả giải đoán, phân tích ảnh vệ tinh tỷ lệ 1/50.000 và các sơ đồ giải đoán ảnh vệ tinh tỷ lệ 1/50.000, kết quả là thành lập được bảng danh sách các ao, hồ, đầm phá thuộc tỉnh Bình Định.

Bản đồ nước mặt khu vực tỉnh Bình Định

 

 

Sơ đồ tiềm năng nước ngầm hay tài nguyên nước dưới đất khu vực tỉnh Bình Định.

– Đối với tài nguyên nước dưới đất: 5 yếu tố đầu vào được sử dụng để tích hợp trong GIS để thành lập sơ đồ tiềm năng nước ngầm gồm: mật độ lineament và đứt gãy; địa chất thủy văn; độ dốc; mật độ sông suối và đất. Theo đó, thành lập được sơ đồ tiềm năng nước ngầm hay tài nguyên nước dưới đất khu vực tỉnh Bình Định.

Kết quả phân tích thống kê chỉ ra rằng tổng diện tích đất nước ngọt và nước mặn thuộc tỉnh Bình Định lần lượt là 5.756.78 km2 và 268,22km2. Trong phần nước ngọt, diện tích nhóm có tiềm năng nước ngầm hay tài nguyên nước dưới đất ở mức cao và rất cao chiếm 20,44%. Trong khi đó diện tích nhóm có tiềm năng nước ngầm hay tài nguyên nước dưới đất thấp và rất thấp chiếm 67,32%. Nhóm diện tích nhóm có tiềm năng nước ngầm hay tài nguyên nước dưới đất ở mức trung bình chiếm 12,24%.

Bảng thống kê diện tích và tỷ lệ phần trăm diện tích của các nhóm tiềm năng nước ngầm khác nhau tại khu vực tỉnh Bình Định.

Các nhóm tài nguyên nước dưới đất hay tiềm năng nước ngầm

Diện tích (km2)

Tỷ lệ %

Rất thấp

1.051,58

18,27

Thấp

2.823,74

49,05

Trung bình

704,87

12,24

Cao

745,54

12,95

Rất cao

431,05

7,49

Tổng

5.756,78

100,00

Công tác phân tích giải đoán ảnh viễn thám đã giải quyết được mục tiêu đặt ra của Dự án. Để thành lập bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1/50.000 cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, các công tác khác vẫn đang được hoàn thiện theo đúng tiến độ. Kết quả của dự án nhằm phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên nước, công tác lập quy hoạch, bảo vệ tài nguyên nước; góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin tài nguyên nước quốc gia.