Những bất cập trong điều tra, khai thác và sử dụng nguồn nước vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Trong những năm qua, từ những dữ liệu hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường cho thấy, tài nguyên nước tại một số vùng của nước ta, trong đó có vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã có dấu hiệu suy thoái, cạn kiệt dẫn đến mất cân bằng về cung – cầu và tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nước. Các tài liệu hiện có chưa cung cấp đầy đủ số liệu và mức độ tin cậy về hiện trạng nói trên. Cụ thể, thực trạng điều tra, khai thác và sử dụng nguồn nước ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn có một số vấn đề bất cập sau:

Đối với tài  nguyên nước mặt:

– Mức độ nghiên cứu tài nguyên nước mặt tỷ lệ 1:50.000 chưa được điều tra;

– Thiếu các thông tin về số lượng, chất lượng các nguồn nước do mạng quan trắc khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, chất lượng nước còn thưa thớt;

– Thiếu thông tin về khai thác sử dụng nước và vận hành các công trình khai thác sử dụng nước thuộc vùng nghiên cứu vì thế không có căn cứ cân đối nguồn nước cho khai thác nước, phòng chống xâm nhập mặt vùng cửa sông.

– Nguy cơ suy thoái nguồn nước do tác động của khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn, đặc biệt là từ năm 2006 trở lại đây do việc gia tăng các công trình trữ nước ở thượng nguồn càng làm cho căng thẳng nguồn nước tăng cao về mùa khô và gia tăng xâm nhập mặn vùng hạ lưu, giảm khả năng tự làm sạch của các nguồn nước;

– Các số liệu điều tra phần lớn được thực hiện từ trước năm 2006 và không mang tính đồng bộ, do vậy cần được điều tra cập nhật bổ sung và được pháp quy hóa;

– Chưa có những số liệu, đánh giá về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến khả năng khai thác sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn và hạ nguồn, nguy cơ hạn hán và mặn hóa cửa sông;

– Chưa có những đánh giá đầy đủ về giá trị của nguồn nước trên mọi lĩnh vực của cuộc sống;

Đối với tài  nguyên nước dưới đất:

– Mức độ nghiên cứu địa chất thủy văn mới chỉ thực hiện ở tỉ lệ 1:200.000 cho toàn vùng, còn ở tỉ lệ lớn hơn chưa đáng kể.

– Khoanh định ranh giới nhiễm mặn của nước dưới đất, nhất là ranh giới nhiễm mặn từ dưới lên còn nhiều hạn chế, do công trình nghiên cứu quá thưa.

– Đánh giá tổng hợp tài nguyên nước (nước mặt, nước dưới đất) để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trong vùng chưa được thực hiện.

– Trữ lượng nước dưới đất cho các tầng Holocen và Pleistocen mới chỉ đánh giá sơ bộ theo tài liệu một số lỗ khoan hút nước thí nghiệm; các tầng chứa nước khác do chưa có hoặc ít công trình điều tra nên trữ lượng khai thác tiềm năng đều được tính sơ bộ theo lượng mưa ngấm.

– Tài liệu quan trắc động thái nước dưới đất hầu như chỉ quan trắc cho các tầng Holocen và Pleistocen, cộng thêm tài liệu điều tra cơ bản còn hạn chế, nên chưa đáp ứng được cho công tác quản lý về tài nguyên nước của các địa phương.

– Một số công trình đã nghiên cứu hầu hết được thực hiện trong những năm cuối của thế kỷ trước, khi công nghệ GIS chưa được ứng dụng rộng rãi trong ngành địa chất. Do vậy hiện nay việc cập nhật, khai thác, sử dụng nguồn tài liệu này để phục vụ cho công tác quy hoạch quản lý tài nguyên nước dưới đất ở một số cơ quan đơn vị còn gặp nhiều khó khăn do phải chuyển đổi hệ tọa độ, tin học hóa chúng.

– Công tác điều tra đánh giá hiện trạng khai thác, chất lượng nước dưới đất ở các thành phố, khu dân cư, khu công nghiệp chưa được tiến hành nên chưa phản ánh được thực tế khai thác sử dụng chúng. Đây là vấn đề khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước để quản lý, bảo vệ tài nguyên nước.

– Nước dưới đất trong các tầng chứa nước lộ trên mặt ở một số vùng bị ô nhiễm do nhiều nguồn gây ô nhiễm khác nhau nhưng chưa được điều tra để có các giải pháp bảo vệ nguồn nước.

Căn cứ vào thực trạng các vấn đề liên quan đến tài nguyên nước, yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước đối với phát triển kinh tế – xã hội, năm 2019, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao thực hiện nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá, lập bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1:50.000 cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” nhằm phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên nước, công tác lập quy hoạch, bảo vệ tài nguyên nước; góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin tài nguyên nước quốc gia.

Dự án được thực hiện trên phạm vi 5 tỉnh, thành phố gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định với tổng diện tích là 27.960 km2.

Những vấn đề cần giải quyết của dự án

– Thu thập, tổng hợp tài liệu tài nguyên nước; điều tra, khảo sát, đo đạc, thi công thực địa về tài nguyên nước mặt, nước dưới đất.

– Thống kê và tổng hợp các tài liệu nghiên cứu nước dưới đất trong các tầng chứa nước ở các công trình nghiên cứu ở các giai đoạn trước trong vùng điều tra; chỉnh biên, biên hội tài liệu theo quy định hiện hành để làm cơ sở cho việc thiết kế, bố trí các công trình nghiên cứu nhằm đạt mục tiêu của Dự án.

– Điều tra, kiểm kê số lượng công trình khai thác, lưu lượng khai thác, hiện trạng khai thác nước dưới đất; hiện trạng chất lượng, hiện trạng ô nhiễm, nhiễm mặn nước dưới đất ở trong vùng. Kết quả điều tra cho giá trị định lượng về số lượng nước dưới đất đang khai thác, chất lượng nước dưới đất ở từng vùng để làm cơ sở cho việc xác lập các vùng bảo vệ nước nước đất.

– Đánh giá đặc điểm phân bố, tiềm năng, trữ lượng, chất lượng tài nguyên nước mặt, nước dưới đất và đề xuất các giải pháp khai thác sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên nước để phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

– Xác định trữ lượng có thể khai thác của các tầng chứa nước Đệ tứ và trước Đệ Tứ ở trong vùng điều tra. Đối chiếu với hiện trạng khai thác và chất lượng nước dưới đất để chỉ ra những vùng nào cần cấm hoặc hạn chế khai thác để bảo vệ nước dưới đất.

– Tổng hợp, xử lý thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước; thành lập bộ bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1:50.000 và thuyết minh kèm theo.