Dự án được thực hiện bao gồm thành phố Cần Thơ và 3 tỉnh: Kiên Giang, An Giang, Cà Mau. Chiếm phần lớn diện tích bán đảo Cà Mau. Quá trình thực hiện, dự án sẽ đối mặt với các vấn đề sau:
Những khó khăn:
– Có điều kiện ĐCTV phức tạp, nhiều nơi thông tin về tài nguyên nước dưới đất không có hoặc độ tin cậy không cao.
– Điều kiện tự nhiên và mức độ phát triển kinh tế – xã hội không đồng đều nên điều kiện thi công sẽ khó khăn cho một số nơi.
– Nguồn tài liệu chuyên môn có độ tin cậy một số nơi hầu như không có.
– Đây là vùng kinh tế trọng điểm nên nhu cầu khai thác sử dụng nước nói chung và NDĐ nói riêng ngày càng cao.
Những thuận lợi:
– Toàn vùng có một số khu vực đã được đầu tư một số đề án và dự án về địa chất và ĐCTV do Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thực hiện.
– Một số nơi đã sử dụng vốn địa phương để đầu tư một số đề tài dự án nghiên cứu về địa chất, ĐCTV và tài nguyên nước.
– Các chương trình và dự án về cấp nước nông thôn bao trùm lên nhiều nơi trong vùng sẽ là những thông tin cần thiết cho dự án.
– Hoạt động khai thác NDĐ trong vùng phát triển nhiều nơi cũng là nguồn tài liệu chuyên môn cần lưu ý.
– Tài nguyên NDĐ trong vùng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội nên được các cấp thẩm quyền quan tâm.
– Cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường cho nông thôn là một trong những chủ trương lớn của Nhà nước không chỉ trong vùng nghiên cứu mà còn bao trùm lên cả nước (Chương trình nước sạch và vệ sinh môi nông thôn của Chính phủ).
– Đây là vùng ven biển nên tài nguyên nước mặt chất lượng tốt rất hiếm hoi do đó yêu cầu phải có được thông tin toàn diện về tiềm năng NDĐ.
– Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam có đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiêm về vùng nghiên cứu và một số thiết bị nghiên cứu hiện đại hỗ trợ.
– Bên cạnh đó, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam và Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước còn có quan hệ với các tổ chức nước ngoài quan tâm về tài nguyên NDĐ và đó sẽ là thuận lợi đáng kể trong quá trình thực hiện dự án.
Những thách thức:
– Dự án được sự quan tâm của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho vùng Kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, do đó đòi hỏi kết quả thực hiện dự án phải có tính thuyết phục cao về chuyên môn và ứng dụng hiệu quả trong thực tế (công tác quản lý tài nguyên NDĐ), đặc biệt là phải dàn trải trong toàn vùng nghiên cứu.
– Trong điều kiện hạn chế về kinh phí nhưng lại phải đầu tư nghiên cứu nhằm giải quyết nhiều vấn đề sẽ là khó khăn thực sự cho đơn vị thực hiện. Do đó, cần thiết phải có các nội dung và phương pháp nghiên cứu, phải được chọn lựa dựa theo nguyên tắc hiệu quả và giá thành đầu tư.
– Trong vùng nghiên cứu đã có một số đề tài, dự án đã và đang thực hiện của các đơn vị và tổ chức khác nhau, do đó cần phải thiết lập các mối quan hệ trao đổi thông tin lẫn nhau để cùng đạt hiệu quả cao nhất và giảm thiểu kinh phí thực hiện cho đôi bên