Những khó khăn và thách thức trong việc điều tra, đánh giá nguồn nước cho các đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam

Nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm nước tại vùng hải đảo, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều chương trình, dự án cho công tác thăm dò, khai thác nguồn nước dưới đất, cũng như xây dựng các công trình cấp nước phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt của người dân tại khu vực này. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, đánh giá cũng như khai thác, vận hành các công trình này, còn gặp không ít những trở ngại.

Những khó khăn:

– Các đảo xa đất liền nên điều kiện thi công gặp nhiều khó khăn trong công tác vận chuyển, cung cấp vật tư thiết bị.

– Các đảo thiếu nước ngọt vì vậy việc cung cấp nước phục vụ thi công và sinh hoạt cho các tổ đội trong thời gian thi công trên đảo gặp nhiều khó khăn.

– Nhiều đảo nằm xa đất liền nên an ninh phức tạp.

– Phần lớn các đảo có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn thiếu thốn về nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của các tổ thi công.

– Việc kiểm tra, giám sát thi công cũng gặp nhiều khó khăn khi các công trình thi công phải bố trí trên nhiều đảo.

– Thi công trên biển đảo nên việc lựa chọn thời điểm (mùa) để triển khai thực hiện nhằm bảo đảm an toàn cho người và thiết bị là điều cần quan tâm hàng đầu. Giải pháp triển khai các dạng công tác đòi hỏi phải nhanh, gọn tránh kéo dài thời gian.

Những thách thức:

– Dự án được sự quan tâm của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho phát triển kinh tế biển đảo, do đó đòi hỏi dự án phải đạt được kết quả cao về chuyên môn và ứng dụng hiệu quả cho nhu cầu cấp thiết hiện nay, đặc biệt trong vấn đề an ninh quốc phòng biển đảo.

– Trong điều kiện kinh phí hạn chế nhưng phải đầu tư nghiên cứu giải quyết nhiều vấn đề sẽ là khó khăn cho các đơn vị thực hiện. Do đó, các nội dung và phương pháp nghiên cứu, phải được chọn lựa dựa theo nguyên tắc hiệu quả cả về kỹ thuật và kinh tế.

– Trên một số đảo có một số đề tài, dự án đã và đang thực hiện của các đơn vị và tổ chức khác nhau. Vì vậy, cần thiết lập các mối quan hệ trao đổi thông tin lẫn nhau để cùng đạt hiệu quả cao nhất và giảm thiểu kinh phí thực hiện.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, Dự án cũng có những thuận lợi đáng mừng:

– Tài nguyên nước đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội và an ninh quốc phòng trên biển đảo là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

– Hiện tại việc cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường giải quyết nạn thiếu nước trên đảo là rất cần thiết nên sẽ được các cấp thẩm quyền quan tâm.

– Hầu hết các đảo không có tài nguyên nước mặt hoặc có nhưng chất lượng không tốt do đó yêu cầu phải có được thông tin toàn diện về tiềm năng NDĐ.

– Các đơn vị trực thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia có đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm và có thiết bị nghiên cứu hiện đại.

Kết quả thực hiện Dự án mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực về mặt tài nguyên nước, đáp ứng không nhỏ về mặt kinh tế cho nhân dân cũng như các lực lượng an ninh – Quốc phòng đóng trên các đảo. Ngoài ra còn cung cấp cho các ngành kinh tế trọng điểm như: Công nghiệp, dịch vụ du lịch, các hệ thống cầu cảng, vận tải giao thông…; Dự án sẽ mang lại sự ổn định đời sống cho nhân dân trên các đảo và củng cố tinh thần đoàn kết giữa nhân dân với lực lượng an ninh, quốc phòng trên đảo nhằm mục đích bảo vệ bình yên vùng biển đảo của Tổ quốc; Đánh giá được số lượng, chất lượng tài nguyên nước ở các đảo, phát hiện những nơi nước có chất lượng kém, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng để khuyến cáo sử dụng hợp lý, an toàn.

Kết quả của Dự án là nguồn thông tin quan trọng phục vụ cho công tác quy hoạch và định hướng các công tác nghiên cứu tiếp theo về tài nguyên nước; Cung cấp cơ sở khoa học về nước dưới đất trong các tầng chứa nước, các nguồn nước mặt được quy hoạch, trên cơ sở đó giúp các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp chính quyền quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng trên đảo.