Nghiên cứu giải pháp khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước tại các vùng núi cao karst Đông Bắc Việt Nam phục vụ phát triển dân sinh, kinh tế, xã hội hiệu quả

Vùng Đông Bắc Việt Nam được giới hạn về phía bắc và đông bởi đường biên giới Việt-Trung. Về phạm vi hành chính, vùng đông bắc bao trùm các tỉnh Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc GiangQuảng Ninh.

Phạm vi vùng núi cao Karst Đông Bắc là 9.149 km2 bao gồm phần lớn diện tích tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn và một phần diện tích phân bố karst thuộc tỉnh Lạng Sơn và Tuyên Quang.

Hiện nay, việc khai thác, sử dụng nguồn nước vùng karst Đông Bắc chủ yếu là các hình thức khai thác: Giếng đào, giếng khoan đứng, giếng khoan nghiêng và khoan ngang, vách nhả nước và hồ treo, bơm hút nước từ hang động, mạch nước, khai thác nước từ các mạch nước, đập – cống điều tiết nước hang động, đê đập hồ nổi, hồ đáy van.

Các nghiên cứu về tài nguyên nước vùng núi cao karst Đông Bắc Việt Nam đã chỉ ra được các vùng có tiềm năng khai thác các nguồn nước và định hướng khai thác sử dụng, tuy nhiên chưa nghiên cứu cụ thể nguồn hình thành trữ lượng các nguồn nước, khả năng khai thác sử dụng bền vững của nguồn nước nên hiện nay nhiều công trình đã được đi vào khai thác tuy nhiên sau nhiều năm vận hành đến nay đã suy giảm về trữ lượng và chất lượng.

– Do những đặc điểm riêng của vùng miền núi cao đá vôi karst cả trên thế giới cũng như ở Việt Nam, như địa hình hiểm trở, nguồn nước mặt khan hiếm, nguồn nước ngầm phân bố ở sâu và khó định vị, khó khai thác, nguồn nước mặt dễ bị ô nhiễm… nên việc tìm kiếm, khai thác và cung cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất và phát triển kinh tế – xã hội, bảo tồn thiên nhiên, bảo bệ môi trường ở các vùng núi đá vôi karst Đông Bắc Việt Nam từ bao đời nay vẫn luôn là vấn đề nan giải.

DL16

– Do nước ngầm vùng karst Đông Bắc Việt Nam được hình thành, phân bố và vận động rất phức tạp nên việc áp dụng các phương pháp khai thác, sử dụng cũng hết sức khó khăn. Tùy từng vùng, điều kiện cụ thể có thể áp dụng các phương pháp khai thác sử dụng như giếng đào, giếng khoan…

Từ các tài liệu thu thập tiến hành phân tích, đánh giá đặc điểm cấu trúc địa chất, kiến tạo trong việc hình thành trữ lượng khai thác nước dưới đất vùng núi cao karst Đông Bắc Việt Nam, đặc điểm các hang động karst và mối quan hệ với nước dưới đất vùng núi cao karst Đông Bắc, nghiên cứu đánh giá chất lượng các nguồn nước mặt, nước dưới đất từ các nghiên cứu giai đoạn trước và các dự án đang được triển khai thực hiện trên vùng nghiên cứu để đánh giá đặc điểm phân bố của các nguồn nước và tính toán tài nguyên các nguồn nước trên vùng nghiên cứu.

Sau khi nghiên cứu được đặc điểm phân bố và tiềm năng tài nguyên (trữ lượng và chất lượng) các nguồn nước khu vực núi cao karst Đông Bắc, đề tài dự kiến nghiên cứu đánh giá khả năng khai thác sử dụng các nguồn nước ( nước mưa, nước mặt, nước dưới đất) tại từng khu vực có các điều kiện phân bố và tài nguyên nguồn nước khác nhau phục vụ đề xuất các giải pháp khai thác sử dụng các nguồn nước vùng nghiên cứu.

Từ đó, đề xuất giải pháp khai thác sử dụng bền vững nguồn nước khu vực núi cao karst Đông Bắc Việt Nam bằng giếng khoan và bằng mạch lộ.

(Hải Lý)