Mỗi năm khoảng 1,6 triệu dân trên thế giới chết do thiếu nước sạch. Diện tích các vùng đất ngập nước trên thế giới, chẳng hạn như những vùng đầm lầy, đã bị thu hẹp lại tới một mức độ đáng quan ngại: trong một thế kỷ qua, diện tích vùng ngập nước trên hành tinh đã bị giảm đi 67%. Trong thế kỷ XX, dân số trên địa cầu đã tăng gấp ba lần.
Cùng thời kỳ, nhu cầu về nước ngọt của nhân loại tăng lên gấp sáu lần so với thế kỷ XIX. Trung bình mỗi ngày, một người dân ở Bắc Mỹ, chủ yếu là Canada và Hoa Kỳ dùng từ 600 đến 800 lít nước. Để so sánh, nhu cầu này tại các quốc gia đang phát triển dao động từ 60 đến 150 lít/ ngày. Dân số trên địa cầu ước tính lên tới 9 tỷ người vào khoảng năm 2050. Nhu cầu về lương thực qua đó tăng theo. Để nuôi sống 9 tỷ người, ngành nông nghiệp trên thế giới phải sản xuất thêm, kéo nhu cầu về nước đi lên. Để sản xuất ra một lít sữa, nông dân phải cần tới hơn 1.000 lít nước, và để có được một cân thịt bò thì người ta cần có tới từ 12.000 đến 15.000 lít nước. Cùng lúc, để gia tăng năng suất, ngành nông nghiệp cũng sẽ phải sử dụng ngày càng nhiều phân bón hóa học. Mức độ ô nhiễm nước sẽ càng gia tăng. Vấn đề lọc nước bẩn, sát trùng các nguồn nước bị ô nhiễm và quản lý các nguồn nước sạch trở thành mối quan tâm hàng đầu.
Nước ta có tiềm năng nước dưới đất tương đối lớn, nhưng mức độ chứa nước dưới đất ở các tầng phân bố rất khác nhau. Các tầng có mức độ chứa nước phong phú bao gồm: các tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích bở rời ở đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ; các tầng chứa nước khe nứt trong thành tạo phun trào Bazan ở Tây Nguyên. Các tầng có mức độ chứa nước trung bình gồm: các tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích bở rời ở ven biển miền Trung và các tầng chứa nước khe nứt, hang động trong các thành tạo đá vôi ở vùng Đông Bắc và vùng miền núi phía Bắc. Các loại đất đá khác có mức độ chứa nước kém hơn, phân bố rải rác ở khu vực miền núi và trung du.
Những năm gần đây, tài nguyên nước Việt Nam không còn được đánh giá là dồi dào nữa mà đang bị coi là sử dụng quá nhiều, dẫn đến khó khăn trong đáp ứng nhu cầu về nguồn nước. Mức gia tăng cạnh tranh về nước mặt và nước ngầm trong mùa khô và vấn đề suy thoái chất lượng nước do các tác động của sử dụng đất và phát triển tài nguyên nước cũng như các hoạt động của con người diễn ra nhanh hơn. Các hoạt động của con người làm ô nhiễm và thay đổi điều kiện thủy văn tự nhiên các dòng sông và các tầng chứa nước. Tổng trữ lượng tiềm năng nước dưới đất của Việt Nam khoảng 63 tỷ m3/năm. Nước dưới đất được khai thác, sử dụng phân bố từ mức 3,77 m3/ người/năm ở khu vực Tây Bắc đến 84 m3/người/năm ở đồng bằng sông Cửu Long.
Tình trạng thiếu nước, khan hiếm nước sinh hoạt cũng đã kéo dài tại nhiều tỉnh khu vực miền Trung.
Ninh Thuận và Bình Thuận là hai tỉnh khó khăn về nguồn nước nhất khu vực miền Trung. Tại mỗi địa phương này có hàng nghìn hộ dân thường xuyên sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Nguyên nhân của tình trạng này do nguồn nước dưới đất bị nhiễm mặn và một phần do mực nước ngầm hạ thấp dẫn đến cạn kiệt các giếng của các hộ dân. Ngoài ra, ở các địa phương này lượng mưa hàng năm rất thấp, mùa khô kéo dài nên tình trạng khan hiếm nước ngày càng lan rộng.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây do nắng nóng kéo dài và xâm nhập mặn ngày một gia tăng, nước trên các con sông và kênh rạch ở một số địa phương dần cạn kiệt, nước sinh hoạt ngày càng khan hiếm khiến cuộc sống của người dân càng trở nên khó khăn. Tại Bến Tre, nhiều xã ở các huyện Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm, Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam người dân phải sử dụng nước sinh hoạt với giá đắt đỏ, toàn tỉnh có gần 85 nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Ngoài ra, tại các tỉnh giáp biển khác như Cà Mau, Kiên Giang cũng xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng ở nhiều nơi do các nguồn nước bị nhiễm mặn và khô cạn.
Nhìn chung, tình trạng thiếu nước, khan hiếm nước sinh hoạt đang là vấn đề nhức nhối tại nhiều địa phương trên cả nước. Nhiệm vụ tìm kiếm và cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho các vùng khan hiếm nước ngày càng trở nên cấp bách đối với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.
Xuất phát từ hiện trạng cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước và nhu cầu cấp thiết về nước sinh hoạt cho nhân dân tại các vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa mà tập trung giải quyết nhu cầu cho các tỉnh sau: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lắc, Đắc Nông, An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Tây Ninh, Trà Vinh, Long An và Bình Phước.
Số dân tại các vùng khan hiếm do các tỉnh yêu cần hiện tại là 14.415.253 người thì nhu cầu lượng nước tối thiểu hiện tại là 864.915 m3/ngày (mức sử dụng nước 60l/người.ngày) và với tốc độ gia tăng dân số bình quân hiện nay 1,05% (theo Tổng cục thống kê dân số) thì lượng nước tối thiểu cho dân nhân ở các núi cao, vùng khan hiếm nước trên địa bàn các tỉnh nêu trên đến năm 2020 là 930.524m3/ngày
Cần tìm kiếm được các nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân tại các vùng núi cao,vùng khan hiếm nước, góp phần phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đảm bảo:
– Chương trình phải đảm bảo tính bền vững, góp phần nâng cao nhận thức, hành động của chính quyền và người dân các địa phương được triển khai chương trình, dự án, tạo khả năng tiếp nhận, tiếp tục phát triển các thành quả đạt được về điều tra, khai thác, sử dụng nguồn nước;
– Việc triển khai phải có trọng tâm, trọng điểm, phân chia theo các giai đoạn, ưu tiên cho các vùng khó khăn, vùng biên giới, vùng núi, dân tộc ít người song phải dựa trên tiềm năng nguồn nước, khả năng bố trí ngân sách;
– Chương trình chỉ được thực hiện tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước do các địa phương yêu cầu, không có các nguồn nước khác thay thế nguồn nước dưới đất và chưa được điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt.
– Tăng cường công tác Thông tin – Giáo dục – Truyền thông. Chuyển từ truyền thông nâng cao nhận thức sang truyền thông thay đổi hành vi.
– Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước được quản lý và điều hành theo quy định của pháp luật.