Một số vấn đề trong việc khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất

Việc khai thác nước dưới đất để cung cấp cho các đô thị đã góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, nâng cao chất lượng đời sống của người dân đô thị. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác nước, đô thị hóa, phát triển đô thị đã nảy sinh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động xấu tới nguồn tài nguyên nước dưới đất, như :

  • Lưu lượng khai thác nước dưới đất ngày một tăng lên

Trong vài chục năm gần đây do kinh tế phát triển, đời sống của người dân tăng nhanh, nhất là ở các đô thị lớn (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… ) dẫn đến nhu cầu dùng nước ngày càng tăng. Mặt khác, trước đây do đời sống thấp nên nhu cầu sử dụng nước cũng không cao, mỗi người, mỗi ngày chỉ sử dụng khoảng 70÷80 lít nước. Ngày nay, mỗi người mỗi ngày sử dụng không ít hơn 120 lít nước, những hộ gia đình khá giả có thể sử dụng tới 200÷250 lít nước mỗi ngày.

Mặt khác cũng do đời sống tăng cao, nhu cầu sử dụng nước cho các dịch vụ công cộng (nước phục vụ cho tưới cây, sinh hoạt văn hóa, rửa đường, phòng cháy, chữa cháy…) của các thành phố cũng tăng lên đáng kể. Việc tăng lưu lượng khai thác dẫn đến đương nhiên mực nước bị hạ thấp xuống. Những nơi thiếu sự điều tra thăm dò đánh giá trữ lượng thì mực nước tụt xuống nhanh hơn. Mặt khác khi không nhận được sự cung cấp tập trung các cơ sở phải tự xoay sở tìm nguồn nước để đáp ứng yêu cầu sử dụng của mình. Do vậy, việc khoan khai thác nước dưới đất ở các đô thị đã phát triển ồ ạt, khó quản lý, nhất là các lỗ khoan nhỏ lẻ.

  • Công tác điều tra cơ bản địa chất thuỷ văn và đánh giá tài nguyên nước dưới đất không theo kịp nhu cầu khai thác

Hiện nay ở nước ta mới chỉ có khoảng 75% diện tích cả nước được lập bản đồ ĐCTV tỷ lệ 1/200.000; khoảng 10% có bản đồ ĐCTV tỷ lệ 1/50.000. Do vậy khi các đô thị được mở rộng thì thiếu các thông tin cần thiết phục vụ cho công tác quy hoạch. Đây cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến suy thoái tài nguyên nước dưới đất.

  • Tốc độ đô thị hóa nhanh đã góp phần không nhỏ dẫn đến tình trạng suy thoái nguồn nước dưới đất

Hiện tại hầu hết các đô thị nước ta đang trong giai đoạn xây dựng và phát triển, nên hàng ngày có tới hàng nghìn lỗ khoan khảo sát địa chất công trình; khoan hàng trăm lỗ khoan làm cọc nhồi, gia cố nền móng; đào hàng vạn mét khối đất đá để xây dựng các công trình; san lấp hàng tăm mét vuông ao hồ; trải hàng vạn mét vuông bê tông lên mặt đất. Các hoạt động này không chỉ làm thay đổi môi trường thấm, còn làm giảm lượng nước ngầm từ bề mặt đất xuống cung cấp cho các tầng chứa nước, thu hẹp miền bổ cập của nước dưới đất. Điều này dẫn đến tình trạng suy giảm lưu lượng khai thác tại các giếng khoan, tăng độ hạ thấp mực nước, đồng thời còn tạo điều kiện cho nước bẩn từ bề mặt đất dễ dàng xâm nhập vào tầng chứa nước; thay đổi môi trường tồn tại của nước dưới đất làm biến đổi thành phần vật chất trong nước dẫn đến nước dưới đất bị ô nhiễm.

Tốc độ đô thị hóa gia tăng cũng đồng nghĩa với sự gia tăng rác thải, nước thải. Nếu không xử lý tốt thì đây chính là nguồn gây ô nhiễm các nguồn nước nói chung và nước dưới đất nói riêng. Thực tế trong vài chục năm gần đây, hầu hết các nguồn nước mặt tại các đô thị đã bị nhiễm bẩn ở các mức độ khác nhau. Điều này đã có ảnh hưởng nhất định đên nguồn nước dưới đất.

Mặt khác, tốc độ đô thị hóa tăng dẫn đến tình trạng thiếu đất để quy hoạch các đới phòng hộ vệ sinh, nhiều công trình khai thác nước đới phòng hộ vệ sinh đã bị lấn chiếm hoặc bị xâm phạm bởi các công trình xả thải gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến chất lượng tài nguyên nước dưới đất.

  • Công tác quản lý tài nguyên môi trường nói chung, môi trường nước dưới đất nói riêng còn chưa theo kịp với sự phát triển

Một thực tế hiện nay trang thiết bị cơ sở vật chất cho công tác quản lý nói chung và công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất nói riêng còn rất hạn chế, ngoài các thiết bị văn phòng hầu như không có một thiết bị nào để các cơ quan quản lý có thể kiểm tra, theo dõi việc thực thi các văn bản pháp luật liên quan tới công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.

  • Nhận thức về trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước nói chung, tài nguyên nước dưới đất nói riêng của các cán bộ, các cấp chính quyền và cộng đồng còn thấp

Do chưa có những nhận thức đầy đủ về vai trò của nước dưới đất trong phát triển kinh tế xã hội, cho nên công tác điều tra, đánh giá và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trong những năm qua chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, hiện nay do nhận thức của cộng đồng chưa cao, nên việc xả thải chất thải ra môi trường không đúng nơi quy định, việc xử lý chất thải chưa đảm bảo tiêu chuẩn tạo nguồn gây ô nhiễm nước dưới đất; việc tiết kiệm tài nguyên nước chưa tạo thành tiềm thức trong mỗi người dân.