Một số nghiên cứu được áp dụng cho quy trình đánh giá và dự báo tài nguyên nước mặt

Đối với tài nguyên nước hiện nay chưa có quy trình đánh giá dự báo nào được ban hành. Các đơn vị thực hiện nhiệm vụ cảnh báo và dự báo tài nguyên nước tham khảo quy trình của các yếu tố liên quan và tự kiểm tra để xây dựng bản tin thông báo tài nguyên nước theo các thời đoạn khác nhau. Để phục vụ nghiên cứu của đề tài, một số nghiên cứu có liên quan đến tài nguyên nước sẽ được tham khảo để phân tích đánh giá phục vụ xây dựng quy trình đánh giá và dự báo tài nguyên nước mặt như sau:

Nghiên cứu và xây dựng công nghệ dự báo và cảnh báo sớm hạn hán ở Việt Nam, 2015 Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương đã phân tích tình hình hạn hán trên thế giới và ở Việt Nam, trong đó đánh giá nhu cầu sử dụng nước và các phương pháp tính toán xác định các chỉ số hạn. Từ đó xây dựng phương pháp dự báo và cảnh báo sớm hạn ở Việt Nam và xây dựng công nghệ dự báo và cảnh báo sớm hạn ở Việt Nam. Kết quả của nghiên cứu đã xây dựng được quy trình ra bản tin dự báo hạn ở Việt Nam và các quy trình công nghệ dự báo hạn

Nghiên cứu xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo hạn hán cho Việt Nam với thời hạn đến 3 tháng”, đề tài cấp nhà nước mã số KC08.07/11-15 do PGS.TS Nguyễn Văn Thắng làm Chủ nhiệm. Mục tiêu chủ yếu của đề tài là Xây dựng bộ chỉ tiêu phân cấp hạn khí tượng cho toàn Việt Nam, hạn nông nghiệp và thủy văn cho ĐBSH; Xây dựng được các mô hình thống kê dự báo hạn khí tượng cho toàn Việt Nam và ứng dụng được một mô hình động lực để dự báo hạn nông nghiệp, hạn thủy văn cho vùng ĐBSH thời hạn đến 3 tháng. Đề tài được triển khai nhằm xuất được hệ thống nghiệp vụ dự báo, cảnh báo hạn khí tượng cho toàn quốc, hạn nông nghiệp và hạn thủy văn cho vùng ĐBSH với thời hạn đến 3 tháng trên cơ sở kết quả thử nghiệm cho mùa khô 2013-2014. Tác giả cũng đã ứng dụng thành công các mô hình khí hậu khu vực RSM và CWRF vào dự báo các trường khí hậu trung bình phục vụ dự báo hạn thủy văn, nông nghiệp ở ĐBSH hạn đến 6 tháng; Xây dựng thành công công nghệ, quy trình dự báo hạn thủy văn, nông nghiệp cho vùng ĐBSH theo chỉ số hạn SWSI và PDSI; Xây dựng và đưa vào ứng dụng nghiệp vụ hệ thống giám sát hạn hán thời gian thực bằng công nghệ viễn thám và nhóm nghiên cứu cũng đã xây dựng được các hướng dẫn, quy trình thực hiện trong dự báo nghiệp vụ.

Quy trình dự báo lũ sông Hồng do Viện Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu ban hành năm 2014 áp dụng cho dự báo lũ trên sông Hồng bao gồm 10 bước từ khai thác số liệu quan trắc mưa, theo dõi tình hình thời tiết, kiểm tra tính hợp lý của số liệu,  xử lý thiết lập số liệu cho các mô hình dự báo, dự báo lưu lượng nước đến các hồ chứa thượng lưu và chạy mô hình thủy lực hồ chứa,… đưa bản tin công bố lên website chính thức của Viện. Các bước thực hiện tuân thủ theo các quy trình kỹ thuật hiện hành, đảm bảo tính chính xác cao trong kết quả dự báo.

Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các Thông tư về quy định quy trình dự báo riêng cho từng lĩnh vực như: Thông tư số 14/2010/TT-BTNMT ngày 29/7/2010 về việc Quy định quy trình dự báo lũ; Thông tư số 40/2016/TT-BTNMT BTNMT ngày 19/12/2016 Quy định về Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo hiện tượng khí tượng thủy văn trong điều kiện bình thường; Thông tư số 41/2016/TT-BTNMT ngày 29/12/2016 Quy định về Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm;

Như vậy, các tài liệu trong và ngoài nước đã nêu có đưa ra phương pháp luận và quy trình đánh giá, dự báo tài nguyên nước, nhưng ở những lĩnh vực dự báo khí tượng, thuỷ văn. Tuy hiên, hiện tại chưa có quy trình đánh giá, dự báo tài nguyên nước mặt để phục vụ cho công tác cảnh báo và dự báo đã và đang được ban hành