LVS Hồng – Thái Bình: Các vấn đề trong phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra P2

DL162LTS: Trong quá trình điều tra, khảo sát thực địa và đánh giá nguồn tài liệu thu thập được khi xây dựng và thực hiện dự án Quy hoạch LVS Hồng – Thái Bình, nhóm tác giả thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã chỉ ra các vấn đề trong phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra như sau:

– Vấn đề cạn kiệt mất dòng

Các sông xảy ra cạn kiệt mất dòng trong phạm vi vùng dự án chủ yếu là các sông nhánh, thời điểm diễn ra cạn kiệt mất dòng tập trung vào mùa khô từ tháng 11, 12 đến tháng 4 năm sau. Trong các sông cạn kiệt mất dòng như: suối Vàng, suối Bưng, sông Bưởi, sông Ngang, sông Đáy, sông Cà Lồ và sông Nhuệ. Mức độ ảnh hưởng bởi cạn kiệt mất dòng lớn là đoạn sông Đáy từ đầu nguồn đến huyện Quốc Oai. Đoạn sông này lấy nước từ cống Cẩm Đình, và đoạn sông cũng đang được nạo vét khơi thông dòng chảy song hiệu quả chưa cao. Vì vậy cần đánh giá chi tiết để tìm ra giải pháp khôi phục lại sự sống cho dòng chảy sông Đáy.

Vấn đề cạn kiệt mất dòng trên các dòng chính của các hệ thống sông là không có. Tất cả các vị trí xác định hiện tượng mất dòng đều năm trên các sông, suối nhánh. Nguyên nhân gây ra cạn kiệt, thậm chí mất dòng chảy đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau: Khai thác nước, cải tạo lòng sông và ảnh hưởng của chế độ khí tượng, thủy văn và địa hình.

Sông Thứa (thuộc sông Ngụ): hai điểm điều tra nằm trên hai xã Tân Lãng và thị trấn Thứa huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh, tháng kiệt nhất của sông vào tháng 4 trong năm. Chiều dài đoạn sông bị cạn kiệt, mất dòng trong vùng khoảng hơn 2 km. Nguyên nhân cạn kiệt do khai thác nước cho sản xuất nông nghiệp.

Sông Ngụ (thuộc hệ thống sông Thái Bình): đoạn sông cạn kiệt, mất dòng ở hai xã Trạm Lộ và xã Đại Bái huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh, tháng kiệt nhất trong năm vào tháng 4. Tiến hành điều tra 4 vị trí trên sông Ngụ xác định được đoạn sông bị cạn kiệt mất dòng dài khoảng 3,5 km. Nguyên nhân cạn kiệt khai thác nước cho sản xuất nông nghiệp (Là trục tiêu chính của các trạm bơm  Đại Đồng Thành và Nghĩa Đạo), do khai thác nước mặt sử dụng cho sinh hoạt.

– Xâm nhập mặn các tầng chứa nước do khai thác sử dụng.

Vấn đề xâm nhập mặn chủ yếu xảy ra ở khu vực đồng bằng sông Hồng. Việc khai thác nước dưới đất tràn lan, phục vụ lợi ích trước mắt đang làm ảnh hưởng lớn đến việc quy hoạch khai thác sử dụng hợp lý và bền vững tài nguyên nước dưới đất. Xâm nhập mặn các tầng chứa nước diễn ra ở vùng ven biển. Nước mặn tồn tại trong các tầng chứa nước có liên quan đến các quá trình tiến hóa trầm tích và các chu kỳ dao động của mực nước biển qua các thời kỳ cũng như mức độ quan hệ thủy lực của các tầng chứa nước với nước biển.

Các địa phương hiện nay đang chịu ảnh hưởng nhiễm mặn tầng chứa nước như: Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và TP. Hà Nội. Diện tích phân bố nước mặn chiếm 3/5 tầng chứa nước Holocen và 2/5 tầng chứa nước Pleistocen trên toàn đồng bằng Bắc Bộ../