Điều tra cơ bản tài nguyên nước dưới đất cùng Bắc Sông Tiền

Vùng Bắc sông Tiền giữ vai trò an ninh, kinh tế quan trọng đối với đồng bằng Nam Bộ, ngoài ra tỉnh Tiền Giang, Long An và Tp Hồ Chí Minh còn nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Đặc biệt vùng có đường biên giới dài với nước bạn Campuchia là cửa ngõ giao thương với các nước Đông Nam Á.

Hiện nay, trong vùng đang phát triển rất nhiều khu, cụm công nghiệp, quá trình đô thị hoá một cách mạnh mẽ, do đó nhu cầu về nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt là rất lớn. Tuy nhiên, nhiều nơi nước mặt từ các sông, rạch còn lại bị mặn, nhiễm bẩn, nhiễm phèn không thể sử dụng được. Mặt khác, vùng Bắc sông Tiền nằm ở hạ lưu sông Mê Kông những năm gần đây các nước phía thượng nguồn điều chỉnh dòng chảy làm lưu lượng dòng chảy mùa khô ngày một giảm, cùng với quá trình biến đổi khí hậu nước biển dâng làm nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa, nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt ngày một khan hiếm, nguồn nước duy nhất là nước dưới đất.

Vùng Bắc sông Tiền có tiềm năng về nước dưới đất khá lớn, tuy nhiên điều kiện địa chất thuỷ văn vô cùng phức tạp. Các công trình nghiên cứu trước đây được thực hiện đã lâu (được làm từ 16 – 26 năm trước đây) nên một số kết quả nghiên cứu không còn phù hợp với hiện nay, các dự án trước đây chỉ được tiến hành với vùng nhỏ lẻ nên chưa liên kết được toàn vùng để đánh giá hết được trữ lượng, chất lượng tiềm năng khai thác phục vụ cho quản lý khai thác lâu dài.

Để có những đánh giá cụ thể về tiềm năng nước dưới đất vùng BST dự án “Điều tra, đánh giá sơ bộ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:50.000 vùng Bắc sông Tiền” được lập là rất cần thiết nhằm phục vụ việc quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội; đảm bảo an ninh quốc phòng vùng; là tài liệu quan trọng phục vụ trực tiếp cho việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước dưới đất của vùng và các địa phương. Đồng thời các công trình sau khi nghiên cứu xong được chuyển giao cho địa phương khai thác phục vụ kinh tế, dân sinh.

Việc điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất vùng BST nhằm xây dựng một ngân hàng dữ liệu giúp cho các nhà quản lý có được những số liệu đầy đủ hơn về số lượng, chất lượng và tình hình khai thác, sử dụng để có những chính sách phù hợp trong việc phát triển ở tương lai. Đối với các ngành sử dụng nước, số liệu điều tra là những cơ sở cơ bản để đề ra giải pháp sử dụng hiệu qủa tài nguyên nước.

Đề án đã xác định sơ bộ các đặc điểm và đặc trưng cơ bản của các tầng chứa nước; một số đặc điểm, đặc trưng của các tầng chứa nước yếu, cách nước; Đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên và các hoạt động kinh tế – xã hội đến nguồn nước dưới đất; Đánh giá sơ bộ và phân vùng mức độ chứa nước của các tầng chứa nước;  khoanh vùng triển vọng khai thác nước dưới đất; Đánh giá trữ lượng tiềm năng, trữ lượng có thể khai thác trên phạm vi toàn vùng và tại khu vực có triển vọng;Phân vùng và đánh giá sơ bộ chất lượng nguồn nước dưới đất theo các mục đích sử dụng; sơ bộ nhận định, đánh giá sự thay đổi chất lượng nước theo thời gian; Lập bộ bản đồ tài nguyên NDĐ tỷ lệ 1:50.000 bao gồm các bản đồ: Bản đồ tài nguyên nước dưới đất; Bản đồ Địa chất thủy văn; Bản đồ chất lượng nước dưới đất; Bản đồ mô đun dòng ngầm; Đánh giá sơ bộ khả năng khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất cho các nhu cầu cấp nước sinh hoạt, sản xuất ở từng khu vực thuộc phạm vi dự án. Kết hợp tạo nguồn nước cấp cho các khu dân cư; Tạo lập cơ sở thông tin, dữ liệu, tài liệu về tài nguyên NDĐ phục vụ công tác quản lý và nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu của các ngành, các địa phương trong vùng dự án. 

Tài nguyên nước là vấn đề đang đang được các cấp thẩm quyền quan tâm, đặc biệt đây là vùng kinh tế quan trọng của đồng bằng Nam bộ và cả nước, do đó kết quả nghiên cứu phải đảm bảo tính thực tế. Những thông tin của dự án này sẽ là định hướng quan trọng nhằm giải quyết vấn đề nước trong việc thiết kế và điều chỉnh quy hoạch không chỉ đối với khu vực đô thị, công nghiệp mà còn khu vùng nông thôn và các ngành nghề khác.

Một hiệu quả thực tiễn về xã hội mà dự án mang lại cho các địa phương là những công trình thăm dò đạt chất lượng sẽ được bàn giao đưa vào khai thác sử dụng phục vụ dân sinh sau khi hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu.