Thế kỷ 21 được thế giới xem là “Thế kỷ của đại dương”, nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng mạnh ra biển để phát triển, để hội đủ 3 thế mạnh: mạnh về kinh tế biển; mạnh về khoa học biển và mạnh về thực lực quản lý tổng hợp biển. Việt Nam nằm bên bờ Biển Đông đã có lịch sử phát triển lâu dài luôn gắn liền với biển. Khai thác nguồn lợi biển đã có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước, nhất là cho xuất khẩu.
Bên cạnh đó tài nguyên nước giữ một vai trò vô cùng quan trọng, không thể thiếu đối với sự tồn tại của con người nói chung và sự phát triển kinh tế – xã hội nói riêng. Theo Quyết định Phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2010 số 568/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28 tháng 4 năm 2010, mục tiêu: “Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững về kinh tế của hệ thống các đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia các vùng biển , đảo của Tổ quốc, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2010.
Tập trung xây dựng một số đảo có vị trí, điều kiện tự nhiên thuận lợi và nhiều tiềm năng, tạo sự bứt phá cho kinh tế biển, đảo, góp phần phát triển kinh tế cả nước, đồng thời làm đầu mối quan trọng để gắn kết kinh tế đảo với kinh tế biển, ven biển và vùng nội địa và giao lưu kinh tế quốc tế”. Theo đó, định hướng phát triển đến năm 2020 là: “Về cấp, thoát nước: tiếp tục nâng cấp, xây dựng mới hồ chứa cho các đảo lớn, đông dân hoặc có vị trí quan trọng như Cô Tô, Vĩnh Thực, Vân Đồn, Cái Chiên, Cát Hải, Nhơn Châu, Phú Quý, Côn Đảo, Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Tre, Phú Quốc… Đẩy mạnh điều tra trữ lượng nước dưới đất của một số đảo lớn để có kế hoạch khai thác, đồng thời nghiên cứu các biện pháp trữ nước mưa kết hợp khai thác nước dưới đất ở các đảo, nhất là tại các đảo nhỏ. Áp dụng công nghệ ngọt hóa nước biển cho một số đảo có vị trí quan trọng, điều kiện khó khăn đảm bảo có đủ nước cho phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh”.
Mặt khác, vùng ven biển và hải đảo nước ta đóng vai trò rất trọng yếu trong chiến lược phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên chỉ một số đảo có nhân dân và bộ đội ở, nhiều đảo còn hoang vắng. Việc điều tra, đánh giá tài nguyên nước vùng biển nói chung và trên các đảo nói riêng còn ở mức độ thấp. Điều tra và đánh giá tài nguyên đó sẽ là những đóng góp to lớn làm giàu cho Tổ Quốc, khai thác các nguồn tài nguyên này không thể tách rời việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Trong điều kiện hiện nay nhiều đảo đang ở trạng thái tranh chấp, việc đảm bảo điều kiện tối thiểu để nhân dân ta có thể sinh sống trên các hòn đảo, bộ đội có thể đóng quân mà không quá cơ cực về nước ngọt là vấn đề hết sức quan trọng.
Các kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án trước đây thực hiện trên một số đảo như đảo Vĩnh Thực, Thanh Lân, Chiến Thắng tỉnh Quảng Ninh, quần đảo Hải Tặc tỉnh Kiên Giang… của nước ta cho thấy hầu hết các đảo đều thiếu nước phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt, nuối trồng thủy sản và nước cho các dịch vụ khác (cấp nước cho các tàu đánh cá, nước cho chế biến hải sản…).
Chính vì vậy, nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu cấp thiết về nguồn nước sử dụng đảm bảo có đủ nước cho phát triển kinh tế – xã hội và quốc phòng an ninh, ngày 28 tháng 4 năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 568/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020.
Vì những lý do nêu trên việc thực hiện Dự án: “Điều tra, đánh giá tài nguyên nước một số đảo, cụm đảo lớn” là rất cấp thiết..