Hợp tác giữa Việt Nam – Lào trong công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt tại vùng biên giới

Tài nguyên nước có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Việt Nam có 8/13 hệ thống sông lớn là sông có liên quan đến nước ngoài, trên 1.100 km đường biên giới là sông, suối mà nhân dân Việt Nam cùng nhân dân các nước láng giềng đang sử dụng chung cả dòng sông và nguồn nước.

Các dòng sông quốc tế của Việt Nam có phần diện tích lưu vực nằm ngoài lãnh thổ chiếm hơn 70% tổng diện tích lưu vực; các sông suối xuyên biên giới hàng năm chuyển vào nước ta khoảng trên 500 tỷ m3 bằng khoảng 60% tổng lượng nước của tất cả các hệ thống sông.

Biên giới Việt – Lào kéo dài từ Điện Biên (Ngã ba Trung Quốc – Việt – Lào) đến Kon Tum (Ngã ba Đông Dương Việt – Lào – Cămpuchia) với chiều dài hơn 1.650 km. Trong đó, chiều dài đường biên giới Việt Nam – Lào (từ Hà Tĩnh đến Kon Tum) là 954 km.

Nhân dân hai nước vùng biên giới Việt – Lào nói chung cũng như trên lưu vực các sông Thạch Hãn, Vu Gia – Thu Bồn, sông Hương, sông Gianh nói riêng có truyền thống đoàn kết, đấu tranh chống kẻ thù chung, giành độc lập dân tộc. Đất nước hòa bình, độc lập đã trên 30 năm nhưng nhân dân các xã vùng biên giới vẫn sống trong điều kiện đặc biệt khó khăn cả về vật chất và tinh thần, đặc biệt là khan hiếm nguồn nước phục vụ sinh hoạt; phát triển kinh tế, xã hội và thu hút đầu tư.

Đây là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng của cả 2 quốc gia Việt nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Trong 2 Cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập của tổ quốc, nhân dân 2 nước Việt nam và Lào đặc biệt là vùng biên giới đã đồng cam cộng khổ, nhường cơm sẻ áo cho nhau cùng chiến đấu và đánh thắng kẻ thù chung.

Những đặc điểm tự nhiên về tài nguyên thiên nhiên đặc biệt là tài nguyên nước có ảnh hưởng to lớn tới sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội của 2 nước Việt Nam và Lào nói chung và của các huyện biên giới Việt – Lào nói riêng.

Hiện nay, việc khai thác, sử dụng dòng sông và nguồn nước của các sông, suối quốc tế của Việt Nam đặc biệt là với CHDCNND Lào nhìn chung còn hạn chế tuy nhiên thực tế cũng cho thấy những khó khăn, bất cập về tình trạng thiếu thông tin số liệu về thủy văn và tài nguyên nước, chưa nắm được về tình hình khai thác sử dụng đặc biệt là phần lãnh thổ của Lào; cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu và lạc hậu; việc triển khai thực hiện chiến lược tài nguyên nước còn chậm và lúng túng; chưa có cơ chế hợp tác và thích ứng với các vấn đề có thể phát sinh trong tương lai gần khi nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước của mỗi quốc gia gia tăng…

Nước ta có biên giới với CHND Trung Hoa, CHDCND Lào và CHND Cămpuchia. Tuy nhiên trong thời gian qua chúng ta mới tổ chức điều tra đánh giá tài nguyên nước vùng biên giới Việt Nam – Cămpuchia; phần biên giới Việt Nam – Trung Quốc và Việt – Lào hiện tại chưa có nhiều thông tin về tài nguyên nước (cho đến gần đây mới có Dự án Điều tra, đánh giá tài nguyên nước lưu vực các sông biên giới Việt – Lào thuộc lưu vực sông Mã, Cả). Nhận thức được tầm quan trọng trong quản lý nguồn nước xuyên biên giới, Bộ Tài nguyên và môi trường với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện công tác quản lý tài nguyên nước đang nỗ lực tập trung vào các nhiệm vụ cơ bản trong đó có điều tra đánh giá nguồn nước xuyên biên giới. Điều đó thể hiện trong quyết định số 2438/QĐ-BTNMT ngày 24 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường về việc phê duyệt danh mục dự án, nhiệm vụ chuyên môn mở mới năm 2017. Theo đó, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã lập Dự án Điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt các xã biên giới Việt – Lào từ Hà Tĩnh đến Kon Tum (Tỷ lệ 1/100.000).

Điều tra, đánh giá tài nguyên nước các sông biên giới nhằm tăng cường cơ sở dữ liệu thông tin tài nguyên nước quốc gia phục vụ xây dựng quy hoạch các lưu vực sông; rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển của từng ngành, địa phương liên quan tới việc sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước. Theo dõi biến động nguồn nước, các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên ở thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế; nghiên cứu các mô hình hợp tác bảo vệ, khai thác sông quốc tế; nâng cao hiệu quả sử dụng, bảo tồn tài nguyên nước; phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, giảm thiểu tác động tiêu cực do việc khai thác, sử dụng nguồn nước trên các dòng sông quốc tế ở Việt Nam để đạt được sự đồng thuận, khung pháp lý và cơ chế phối hợp thực hiện các thỏa thuận quốc tế liên quan đến nguồn nước xuyên quốc gia là việc làm cần thiết.

Vùng dự án có lượng mưa trung bình năm khoảng trên dưới 2.000 mm, nguồn nước mưa, nước mặt kể cả nước dưới đất khá dồi dào, song phân bố không đều theo không gian và thời gian nên thường bị lũ lụt về mùa mưa và hạn hán, thiếu nước trong mùa khô. Địa hình núi non trong vùng tạo ra tiềm năng đáng kể về thủy điện và khả năng dự trữ nước, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ cao về khả năng lũ lụt, xói mòn, sạt lở đất và cũng là nguyên nhân của vấn đề hạn hán, khan hiếm nước trong mùa khô.

Quyết định số 864 QĐ-TTg ngày 9 tháng 7 năm 2008 Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch Xây dựng vùng biên giới Việt – Lào đến năm 2020 đã chỉ rõ định hướng phát triển không gian vùng; định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật diện rộng; định hướng phát triển không gian khu vực giáp biên giới và các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 5 – 10 năm. Theo đó, vùng biên giới Việt – Lào có tầm quan trọng đặc biệt về kinh tế, chính trị, xã hội, An ninh , Quốc phòng.

Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cũng như Quy hoạch phát triển kinh tế vùng cần có thông tin đầy đủ về tiềm năng tài nguyên thiên nhiên đặc biệt là tài nguyên nước, trong khi những thông tin về tài nguyên nước còn rất hạn chế hoặc chưa có. Hiện tại và trong tương lai, kinh tế xã hội của khu vực biên giới ngày càng phát triển nên nhu cầu sử dụng tài nguyên nước của vùng (cả 2 nước Việt Nam và Lào) ngày càng gia tăng; cần thiết phải có có kế hoạch chủ động để phòng ngừa các diễn biến xấu trong quá trình phát triển.

Với những lý do nêu trên, việc điều tra, đánh giá tài nguyên nước nói chung và đặc biệt cho vùng biên giới Việt – Lào (đoạn từ Hà Tĩnh đến Kon Tum) nói riêng là việc làm hết sức cấp thiết trong thời điểm hiện tại. Kết quả của dự án này, cùng với Dự án “Điều tra, đánh giá tài nguyên nước lưu vực các sông biên giới Việt – Lào thuộc lưu vực sông Mã, Cả” sẽ cung cấp bộ thông tin, dữ liệu và các kết quả đánh giá cơ bản về tài nguyên nước trên toàn tuyến biên giới Việt – Lào