Hoàn thiện việc dự báo nguồn nước mặt nhằm nâng cao công tác quản lý tại các lưu vực sông liên tỉnh, liên quốc gia

Điều 4 Luật tài nguyên nước năm 2012 do Quốc hội nước CHXH Việt Nam ban hành, đã nêu sự cần thiết phải đánh giá, dự báo tài nguyên nước cho các lưu vực sông nhằm có những thông tin chính xác, kịp thời phục vụ công tác quản lý trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Cũng như nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến nguồn nước, đặc biệt ở các lưu vực liên quốc gia khi cơ chế hợp tác và chia sẻ thông tin còn gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, việc đảm bảo an ninh nguồn nước có vai trò chiến lược, cốt lõi đảm bảo phát triển bền vững quốc gia. Gần đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 42/2015/TT-BTNMT về việc quy định kỹ thuật quy hoạch tài nguyên nước đã nêu rõ để thực hiện công tác lập quy hoạch tài nguyên nước trên các lưu vực sông. Theo đó, cần phải đánh giá tổng lượng tài nguyên nước, lượng nước có thể khai thác sử dụngvà biến động của nó trên từng nguồn nước.

Mặc dù công tác dự báo tác nghiệp thủy văn đã được triển khai từ lâu, đóng góp to lớn vào phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và các hoạt động phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, sản phẩm của công tác dự báo tác nghiệp thủy văn trong các năm qua không đáp ứng được yêu cầu bài toán dự bao tài nguyên nước do thường chỉ chủ yếu tiến hành dự báo, cảnh bảo lưu lượng, mực nước tại các cột mốc trạm thủy văn và các vị trí rủi ro thiên tai do nước gây ra (lũ, hạn…). Bài toán tài nguyên nước yêu cầu dự báo nguồn  nước tại các điểm dự báo tài nguyên nước như điểm phân bổ nguồn nước, điểm quan trắc, giám sát hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên nước, cũng như theo diện tại các tiểu lưu vực bộ phận, nhập lưu khu giữa hay các khu sử dụng nước…thì chưa được đầu tư nghiên cứu.

DL70

Trước những vấn đề trên, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ với mã số TNMT.2016.02.01: “Nghiên cứu tích hợp mô hình mã nguồn mở với dữ liệu mưa toàn cầu để dự báo nguồn nước mặt lưu vực sông liên tỉnh, liên quốc gia. Áp dụng thử nghiệm tại lưu vực sông SRêPôk” Đề tài sẽ tiến hành nghiên cứu tích hơp mô hình mã nguồn mở HYPE với dữ liệu mưa toàn cầu để dự báo nguồn nước mặt liên tỉnh, liên quốc gia, áp dụng thí điểm lưu vực sông Srêpôk. Đây là một trong các lưu vực sông liên quốc gia quan trọng đang đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến tài nguyên của nước ta. Mục tiêu chủ yếu của đề tài là:

– Tích hợp được mô hình mã nguồn mở HYPE với dữ liệu mưa toàn cầu để dự báo nguồn nước mặt lưu vực sông liên tỉnh, liên quốc gia.

– Xây dựng hướng dẫn quy trình dự báo nguồn nước mặt bằng mô hình mã nguồn mở với dữ liệu mưa toàn cầu cho thời đoạn dự báo ngày, 10 ngày, tháng, mùa và áp dụng thành công lưu vực sông Srêpôk.

Trước những thách thức lớn về vấn đề an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu và trong tình hình mới, kết quả của đề tài sẽ là cơ sở quan trọng cho việc dự báo tài nguyên nước mặt nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước tại các lưu vực sông liên tỉnh, liên quốc gia cho hiện tại và tương lai./.

(Mai Phú Lực)