Hiện trạng thông tin tư liệu về tài nguyên nước của các đảo và cụm đảo

Các đảo thuộc các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh tới Thừa Thiên Huế.

Trước năm 1975 trong khu vực từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế chưa có một công trình nghiên cứu địa chất thủy văn nào. Sau 1975, công tác nghiên cứu địa chất thủy văn còn ở mức độ rất thấp, chỉ có một số nghiên cứu trên mặt trong khi lập bản đồ địa chất tỉ lệ 1:200.000 tờ Hòn Gai-Móng Cái và một vài bài báo đăng trên các tạp chí có nói đôi chút về đặc điểm địa chất thủy văn của đảo. Những công trình nghiên cứu địa chất thủy văn, việc đánh giá tổng quát về lưu lượng nguồn nước, thành phần hóa học, vi trùng hầu như chưa được nghiên cứu.

– Đặc điểm tài nguyên nước:

Tài nguyên nước dưới đất trên các đảo chủ yếu là nước trong các lỗ hổng tuổi Đệ tứ ( pdQ ) và trong khe nứt magma xâm nhập. Nước có chất lượng khá tốt.

Tài nguyên nước mặt trên các đảo: có các dòng mặt tạm thời vào mùa mưa, mùa khô hết nước. Hồ nước thì chủ yếu là của người dân xây dựng quy mô nhỏ. Trên 10 đảo hiện có 2 đảo có trạm khí tượng.

Các đảo thuộc các tỉnh ven biển từ TP. Đà Nẵng tới Bình Thuận.

Trước năm 1975 trong khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận chưa có một công trình nghiên cứu địa chất thủy văn nào. Sau 1975 có các công trình nghiên cứu sau: Bản đồ ĐCTV tỷ lệ 1/500.000 (Trần Hồng Phú; 1982), Báo cáo Điều tra ĐCTV- ĐCCT và đánh giá nguồn nước, tỷ lệ 1/50.000 của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung (2002).

Đối với công tác nghiên cứu địa chất thủy văn trong vùng biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, đáng chú ý nhất là các công trình “Điều tra địa chất thủy văn – địa chất công trình và đánh giá nguồn nước” tại các đảo từ năm 1987 đến năm 2002 do tác giả Phạm Văn Năm và Phạm Ngọc Minh. Đã tiến hành nhiều dạng công tác: đo vẽ tổng hợp địa chất thủy văn – địa chất công trình, địa vật lý, trắc địa, khai đào, thí nghiệm địa chất thủy văn hố đào, khoan và bơm thí nghiệm một số lỗ khoan, kết hợp cung cấp nước cho dân trên đảo. Các công trình nghiên cứu đã đánh giá được tài nguyên nước dưới đất ở mức độ sơ bộ, đồng thời giải quyết được một số nhu cầu về nước cho dân cư trên các đảo nghiên cứu.

– Đặc điểm tài nguyên nước:

Tài nguyên nước dưới đất trên các đảo chủ yếu là nước khe nứt trong các đá trầm tích phun trào bazan có tuổi từ βQ1 tới K, một phần diện tích nhỏ là nước trong các lỗ hổng tuổi Đệ tứ và trong khe nứt magma xâm nhập. Nước có chất lượng khá tốt.

Tài nguyên nước mặt trên các đảo: có các dòng mặt tạm thời vào mùa mưa, mùa khô hết nước. Hồ nước thì chủ yếu là của người dân xây dựng quy mô nhỏ. Trong 4 đảo hiện có 2 đảo có trạm khí tượng.

Các đảo thuộc các tỉnh ven biển từ Bà Rịa- Vũng Tàu  tới Kiên Giang.

Đối với công tác nghiên cứu địa chất thủy văn trong vùng biển từ Bà Rịa – Vũng Tàu đến Kiên Giang, đáng chú ý nhất là các công trình “Điều tra Địa chất thủy văn – địa chất công trình và tìm kiếm nguồn nước” tại một số đảo trong vùng vịnh Kiên Giang và Hà Tiên, từ năm 1998 đến năm 2006, do tác giả Trần Hồng Lĩnh làm chủ biên, bao gồm các đảo và quần đảo: Quần đảo Hải Tặc; Đảo Hòn Rái; Quần đảo Thổ Chu; Đảo Phú Quốc; Quần đảo An Thới; Quần đảo Bà Lụa. Đã tiến hành nhiều dạng công tác: đo vẽ tổng hợp địa chất thủy văn – địa chất công trình, địa vật lý, trắc địa, khai đào, thí nghiệm địa chất thủy văn hố đào, khoan và bơm thí nghiệm một số lỗ khoan, kết hợp cung cấp nước cho dân trên đảo. Các công trình nghiên cứu đã thu được những kết quả khả quan đồng thời giải quyết được một số nhu cầu về nước cho dân cư trên các đảo nghiên cứu. Các đảo,  quần đảo còn  lại chỉ được điều tra ở mức điều tra ở mức tổng quan.