Hiện trạng và diễn biến phễu hạ thấp mực nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phễu tầng chứa nước qp2-3:

Tầng chứa nước qp2-3 có nguồn bổ cập chủ yếu từ nước mưa ngấm xuống, từ các khu vực địa hình cao phía bắc chảy đến, bổ cập từ thấm xuyên, các tầng chứa nước nằm trên (qp3) và nằm dưới (qp1) liền kề qua các cửa sổ địa chất thủy văn và một phần được bổ cập từ những dòng chảy lớn có đáy xâm thực sâu. Miền thoát chủ yếu là chảy về phía nam và tây nam, một phần chảy ra các sông suối lớn và một lượng đáng kể được khai thác sử dụng cho các hoạt động con người. Các cửa sổ địa chất thủy văn giữa tầng chứa nước qp2-3và các tầng chứa nước qp3 và qp1 được hình thành do sự gián đoạn của các thành tạo địa chất rất nghèo nước tuổi Q12-3 và Q11, các cửa sổ địa chất thủy văn này phân bố rải rác trong vùng nghiên cứu.

Phễu hạ thấp mực nước tầng qp2-3 hình thành từ năm 2000 (cốt cao mực nước từ -10m đến -12m) ở khu vực thành phố Bạc Liêu, Thị xã Ngã Bảy – Hậu Giang, huyện Châu Thành – Trà Vinh. Từ năm 2000 đến nay có xu hướng tăng chậm. Trong phễu hạ thấp phát triển nhiều tâm phễu nhỏ có mực nước sâu tại các vị trí khai thác thuộc các bãi giếng lớn.

Tầng chứa nước Pleistocen giữa trên có tốc độ hạ thấp mực nước trung bình giai đoạn 5 năm gần nhất 2013-2018 là 0,04m/năm, tốc độ hạ thấp lớn nhất là 0,61m/năm tại công trình Q597030M1 (phường 7, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Tốc độ hạ thấp mực nước trung bình giai đoạn 10 năm 2008-2018 là 0,20m/năm, tốc độ hạ thấp lớn nhất là 0,48m/năm tại công trình Q597030M1. Tốc độ hạ thấp mực nước trung bình giai đoạn 15 năm 2003-2018 là 0,20m/năm, tốc độ hạ thấp lớn nhất là 0,44m/năm tại công trình Q40403T (xã Tập Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh).

Phễu hạ thấp mực nước tầng qp1:

Tầng Pleistocen dưới nằm khá sâu, ngay dưới tầng qp2-3, hầu như không bị dòng mặt xâm thực vào nên mực nước dao động theo mùa với biên độ nhỏ hơn, một số nơi có dao động thủy triều do ảnh hưởng áp lực triều của biển Đông. Mực nước cao nhất trong năm thường là vào cuối mùa mưa (tháng 10), mực nước thấp nhất là vào cuối mùa khô (thường là tháng 5). Hầu hết xuất hiện xu hướng giảm mực nước do ảnh hưởng của các hoạt động khai thác nước dưới đất.

Phễu hạ thấp mực nước tầng qp1 hình thành từ năm 2005 (cốt cao mực nước từ -9m đến -7m) ở khu vực trung tâm huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Từ năm 2005, phễu hạ thấp mực nước tầng qp1 có xu hướng phát triển cả về diện phân bố và độ sâu ở các khu vực trung tâm thành phố. Từ năm 2010 đến nay có xu hướng tăng chậm. Trong phễu hạ thấp phát triển một số tâm phễu nhỏ có mực nước sâu tại các vị trí khai thác thuộc các bãi giếng lớn.

Tầng Pleistocen dưới là tầng chứa nước khai thác chính của vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Tốc độ hạ thấp mực nước trung bình giai đoạn 5 năm gần nhất 2013-2018 là 0,15m/năm, tốc độ hạ thấp lớn nhất là 0,59m/năm tại công trình Q326030M1 (thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An). Tốc độ hạ thấp mực nước trung bình giai đoạn 10 năm 2008-2018 là 0,20m/năm, tốc độ hạ thấp lớn nhất là 0,33m/năm tại công trình Q219030 (thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Tốc độ hạ thấp mực nước trung bình giai đoạn 15 năm 2003-2018 là 0,19m/năm, tốc độ hạ thấp lớn nhất là 0,29m/năm tại công trình Q401030 (thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang).

Phễu hạ thấp mực nước tầng Pliocen giữa n22:

Tầng chứa nước Pliocen giữa n22 nằm khá sâu, dưới tầng qp1, hầu như không bị dòng mặt xâm thực nên mực nước dao động theo mùa với biên độ nhỏ, một số nơi có dao động thủy triều do ảnh hưởng áp lực triều của biển Đông. Mực nước cao nhất trong năm thường là vào cuối mùa mưa (tháng 10), mực nước thấp nhất là vào cuối mùa khô (thường là tháng 5). Hầu hết xuất hiện xu hướng giảm mực nước do ảnh hưởng của các hoạt động khai thác nước dưới đất.

Phễu hạ thấp mực nước tầng n22 hình thành từ năm 2005 (cốt cao mực nước từ -5m đến -7m) ở khu vực trung tâm huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Từ năm 2007, phễu hạ thấp mực nước tầng n22 có xu hướng phát triển mạnh cả về diện phân bố và độ sâu ở các khu vực thị xã Cai Lậy, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang;  huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Trong phễu hạ thấp phát triển nhiều tâm phễu nhỏ có mực nước sâu tại các vị trí khai thác thuộc các bãi giếng lớn.

Đây là một trong những tầng chứa nước khai thác chính của vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Tốc độ hạ thấp mực nước trung bình giai đoạn 5 năm gần nhất 2013-2018 là 0,28m/năm, tốc độ hạ thấp lớn nhất là 1,05m/năm tại công trình Q604050 (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An). Tốc độ hạ thấp mực nước trung bình giai đoạn 10 năm 2008-2018 là 0,25m/năm, tốc độ hạ thấp lớn nhất là 0,78m/năm tại công trình Q02204Z (thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An). Tốc độ hạ thấp mực nước trung bình giai đoạn 15 năm 2003-2018 là 0,32m/năm, tốc độ hạ thấp lớn nhất là 0,70m/năm tại công trình Q02204Z (thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An).

Tuy nhiên, một số khu vực có tốc độ hạ thấp mực nước dưới đất có xu hướng giảm so với giai đoạn 5 năm trước (2012-2017) như: Q409040M1 (Phường 3, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng); Q214030M1 (xã Tân Long Hội, huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long); Q02704T (thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An).

Phễu hạ thấp mực nước tầng Pliocen dưới (n12)

Tầng chứa nước n21 phân bố rộng rãi trên vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, tầng chứa nước n21 chỉ bắt gặp dưới sâu. Thành phần đất đá có nguồn gốc sông, sông-biển và biển, được cấu tạo bởi cát sạn sỏi, cát pha bột sét, và bột gắn kết. Mức độ chứa nước từ trung bình đến giàu, phổ biến trung bình.

Tổng diện tích phân bố của tầng chứa nước Pliocen dưới là 34.470km2, trong đó tổng diện tích nước nhạt là 20.008km2 và tổng diện tích nước mặn là 14.462km.

Nước dưới đất có xu hướng giảm mực nước là phổ biến. Tầng chứa nước n21 có chất lượng tốt và hiện đã được khai thác để phục vụ ăn uống, sinh hoạt ở một số tỉnh như: Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ, An Giang, Sóc Trăng, Cà Mau. Nguồn cung cấp cho tầng chứa nước có thể qua thấm xuyên từ tầng nằm kề.

Phễu hạ thấp mực nước tầng n21 hình thành từ năm 2007 (cốt cao mực nước từ -5m đến -6m) ở khu vực trung tâm huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Từ năm 2010, phễu hạ thấp mực nước tầng n21 có xu hướng phát triển mạnh cả về diện phân bố và độ sâu ở các khu vực huyện Năm Căn – Cà Mau, thành phố Bạc Liêu, thành phố Sóc Trăng, huyện Lai Vung – Đồng Tháp, huyện Châu Thành – Tiền Giang. Trong phễu hạ thấp phát triển nhiều tâm phễu nhỏ có mực nước sâu tại các vị trí khai thác thuộc các bãi giếng lớn.

Tầng chứa nước Pliocen dưới (n21) là một trong những tầng chứa nước khai thác chính của vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Tốc độ hạ thấp mực nước trung bình giai đoạn 5 năm gần nhất 2013-2018 là 0,44m/năm, tốc độ hạ thấp lớn nhất là 1,06m/năm tại công trình Q604060 (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An). Tốc độ hạ thấp mực nước trung bình giai đoạn 10 năm 2008-2018 là 0,39m/năm, tốc độ hạ thấp lớn nhất là 1,00m/năm tại công trình Q022050 (thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An). Tốc độ hạ thấp mực nước trung bình giai đoạn 15 năm 2003-2018 là 0,40m/năm, tốc độ hạ thấp lớn nhất là 0,84m/năm tại công trình Q022050 (thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An).

Tuy nhiên, một số khu vực có tốc độ hạ thấp mực nước dưới đất có xu hướng giảm so với giai đoạn 5 năm trước (2013-2018) như: Q405050M1 (xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh); Q59704TM1 (Phường 7, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu); Q02704Z (thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An).