Hải Dương: Phát triển bền vững đô thị gắn liền với bảo vệ nước dưới đất

Hiện nay, sự suy giảm số lượng cũng như chất lượng nguồn nuớc dưới đất đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển bền vững của các đô thị. Bảo vệ nước dưới đất tại các đô thị lớn nói chung và tại Hải Dương nói riêng đang là vấn đề cấp thiết được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia – Bộ Tài Nguyên và Môi trường nhanh chóng vào cuộc triển khai.

Hiện nay, sự suy giảm số lượng cũng như chất lượng nguồn nuớc dưới đất đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển bền vững của các đô thị. Bảo vệ nước dưới đất tại các đô thị lớn nói chung và tại Hải Dương nói riêng đang là vấn đề cấp thiết được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia – Bộ Tài Nguyên và Môi trường nhanh chóng vào cuộc triển khai.

Trước những vấn đề trên, năm 2016, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia – Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao thi công các hạng mục thuộc Đề án “Bảo vệ nước dưới đất” trong phạm vi ở đô thị Hải Dương nhằm xác định cấu trúc địa chất thủy văn, sự phân bố các tầng chứa nước, miền cấp cho nước dưới đất từ nước mưa và nước mặt; các cửa sổ địa chất thủy văn là nơi cung cấp từ nước sông cho nước dưới đất; sự dịch chuyển ranh giới mặn nhạt của tầng chứa nước. Đồng thời, khoan nghiên cứu sự phân bố của các tầng chứa nước, hút nước thí nghiệm đánh giá thông số địa chất thủy văn của các tầng chứa nước; hút nước thí nghiệm nghiên cứu cơ chế dịch chuyển mặn nhạt của các tầng chứa nước của vùng đô thị.
DL74

Đề án đã tiến hành xác định hiện trạng tài nguyên nước dưới đất đang được khai thác, sử dụng; nguyên nhân sụt lún nền đất, suy thoái, cạn kiệt tầng chứa nước do khai thác nước dưới đất quá mức; xác định các vùng nước dưới đất đã bị nhiễm mặn; xác định hiện trạng các nguồn thải (bãi chôn lấp chất thải, bãi rác, nghĩa trang, nước thải) tác động làm ô nhiễm đến nguồn nước.

Năm 2016, Liên đoàn được giao triển khai Điều tra thực địa xác định cấu trúc địa chất thủy văn, sự phân bố các tầng chứa nước; hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; hiện trạng nguồn gây bẩn ở đô thị Hải Dương. Sau khi hoàn thành 3 nội dung điều tra trên sẽ phân tích để xác định các vấn đề về tài nguyên nước dưới đất ở đây như nhiễm bẩn, nhiễm mặn. Dựa trên tiêu chí các khu vực đang còn trống tài liệu nghiên cứu, ranh giới nhiễm mặn đã tiến hành công tác khoan tại 4 cụm lỗ khoan nghiên cứu địa chất thủy văn. Sau khi nghiên cứu, tính toán các thông số sẽ đưa ra các kết quả để làm cơ sở định hướng khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên nước dưới đất.

Trong năm 2017, Liên đoàn đang triển khai công tác lấy và phân tích mẫu đất, mẫu nước nội dung nguồn thải; khoan và bơm hút thí nghiệm để xác định cấu trúc của khu vực bị nhiễm bẩn; nếu nguồn gây bẩn nằm trên tầng chứa nước ảnh hưởng trực tiếp sẽ khoan, bơm hút nước thí nghiệm nghiên cứu cấu trúc và xác định khả năng dịch chuyển của chất bẩn trong tầng chứa nước. Từ đó, đánh giá khả năng xâm nhập của nguồn ô nhiễm từ bề mặt xuống tầng chứa nước để có biện pháp phòng tránh và bảo vệ cho đối tượng khai thác nước…

Thạc sỹ Tống Thanh Tùng, Chủ nhiệm Đề án cho rằng: Sau khi hoàn thành, Đề án sẽ có ý nghĩa thực tiễn rất lớn, là cơ sở định hướng cũng như quy hoạch về bảo vệ và sử dụng nguồn nước dưới đất cho địa phương. Đồng thời, thông qua việc xác định, đánh giá các nguồn gây bẩn trong đô thị có khả năng tác động trực tiếp đến nguồn nước dưới đất như các bãi rác, bãi chôn lấp rác dưới đất, điểm xả thải… sẽ định hướng cho địa phương có biện pháp bảo vệ các tầng chứa nước đó như tăng cường ý thức người dân không vứt rác bừa bãi, tập trung vào những điểm thu gom, thành lập các đới bảo vệ cho công trình khai thác nước phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương một cách bền vững./.

(Mai Phú Lực)