Đi tìm nguồn nước sạch tại tỉnh Hà Giang

Núi đá Đồng Văn cao ngất trời

Mạch nước ở đây rất hiếm hoi

Khoan ở trên này rất khó gặp

Bởi tại sông ngầm hút đi rồi!

Hà Giang là một tỉnh đặc biệt khó khăn ở vùng núi phía Bắc. Vùng núi đá gồm 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc lại là vùng khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang. Sản  xuất chính của nhân dân ở đây là trồng ngô. Do thành phần chủ yếu là đá vôi nên rất ít đất màu. Cứ đến cuối năm, đồng bào tìm các hốc trên bề mặt đá vôi để gieo một hạt ngô rồi đợi mưa phùn vào dịp tết đến, xuân sang để hạt ngô nảy mầm, ra hoa kết trái. Nhỡ năm nào mưa đến muộn, hạt ngô bị thối thì phải gieo lại hạt khác. Cái ăn đã vậy, cái uống thì sao? Vùng núi đá vôi không trữ được nước, nước cho ăn uống và sinh hoạt của đồng bào đều phải nhờ trời: tích trữ nước mưa về mùa mưa để sử dụng quanh năm. Nơi đây từng được mệnh danh là “ miền đất khát” do nguyên nhân chính là địa hình cao, phân cắt sâu, nước trên mặt theo hệ thống karst thoát rất nhanh ra mạng xâm thực địa phương. Cũng chính vì sự khan hiếm nước này mà những năm cuối của thiên niên kỷ trước đã đồn thổi rằng nơi đây có một dòng sông khổng lồ chảy ngầm dưới mặt đất…

DAN3

Được sự quan tâm của Nhà nước, vấn đề nước sạch cho bà con vùng cao được chú ý. Hàng loạt Chương trình, Dự án cung cấp nước sạch được triển khai. Các Dự án bắt đầu bằng tài trợ trang bị chum, vại, xây bể để tích trữ nước mưa, sau đó là xây hồ treo. Giải pháp dùng nguồn nước dưới đất thì khó hơn do các mạch nước ngầm nằm rất sâu. Bài này kể lại quá trình điều tra, khảo sát để tìm kiếm nguồn nước dưới đất của Liên đoàn Địa chất thủy văn-Địa chất công trình miền Bắc nay là Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Bắc (sau đây gọi tắt là Liên đoàn ) trong 10 năm từ 2003 đến 2012.

Gian nan hành trình đi tìm nguồn nước

Mùa xuân năm 2003, nhận nhiệm vụ điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất huyện Mèo Vạc thuộc tỉnh Hà Giang do Bộ Tài nguyên và Môi trường giao, tôi cùng các cán bộ chủ chốt của Liên đoàn đi khảo sát lập đề án. Chúng tôi đi một số vùng, mục đích là tìm hiểu các tiền đề chứa nước và thực trạng sử dụng nước của nhân dân. Hồi đó, đang thi công cải tạo đường bộ liên tỉnh số 4. Anh chị em lao động không có nước để sinh hoạt, nước nấu ăn phải mua, thế là đồng bào có thêm nghề “bán nước”: can nhỏ thì 5 ngàn, can to thì 10 ngàn, có can bán được 20 ngàn. Chúng tôi ghé thăm trường tiểu học Giàng Chu Phìn. Các thầy giáo, cô giáo nghe nói có các cán bộ đi tìm mạch nước đã tíu tít đến hỏi thăm. Một cô giáo với gọng tự hào kể rằng “ở trên này chỉ có chúng em (tức các thầy cô giáo) mới được uống nước mái tôn. Tìm hiểu mãi chúng tôi mới hiểu, té ra, nước sinh hoạt đều phải lấy từ mái nhà, mà mái nhà thì có các loại mái tôn (tôn osnam ), mái fibroximăng, mái tranh…lấy nước từ mái tôn là sạch nhất được ưu tiên cho các thầy cô giáo để các thầy cô yên tâm bám trường, bám lớp. Câu chuyện có thật mà như bịa. Sau đó ra làm việc với Uỷ ban huyện mới rõ đó là chính sách ưu tiên cho giáo dục của huyện. Vùng thị trấn Mèo Vạc, cứ vào mùa khô, tỉnh phải hỗ trợ bằng cách điều các xe téc chuyên dùng chở nước từ sông Nho Quế cho bà con sử dụng.

DAN2

Thấu hiểu nỗi khổ thiếu nước của đồng bào, anh em chúng tôi hạ quyết tâm tìm nguồn nước sạch. Việc thi công đề án điều tra, đánh giá  nước dưới đất có nhiều công đoạn nhưng khó nhất là việc khoan. Các lỗ khoan ở đây sâu từ 150 đến 250 m. Khỏi phải nói, nghề khoan, đặc biệt là khoan để lấy nước là một nghề nặng nhọc, nhất là khoan ở vùng núi cao hẻo lánh. Đáng lo lắng nhất của nghề khoan là sự cố, hỏng hóc. Hỏng các chi tiết  rất nhỏ của máy khoan cũng đều phải về dưới xuôi mới mua được. Còn sự cố khi khoan là sập lở thành, kẹt, tụt cần khoan…  Khi khoan gặp nước, sự cố càng xẩy ra mạnh. Một trong các biện pháp khắc phục là dùng dung dịch sét để khống chế. Có lỗ khoan đã tiêu tốn hàng trăm tấn đất sét mà chỉ có thể mua và chuyên chở từ vùng đồng bằng lên. Nước rửa khi khoan cũng là vấn đề. Có một nghịch lý là nếu khoan trúng mạch nước ngầm thì khi khoan sẽ mất nước, mạch nước ngầm càng giàu thì càng mất nước nhiều. Có lỗ khoan đã phải thuê riêng một xe téc chuyên dụng chở nước. Để thực hiện đề án, đã thi công hàng chục lỗ khoan, riêng vùng thị trấn có 13 lỗ khoan. Công việc thầm lặng kéo dài liên tục gần 10 năm từ 2003 đến 2012… (còn nữa)

(PGS.TS. Nguyễn Văn Đản)