LTS: Trong định hướng phát triển đến năm 2020 của Chính phủ về biển đảo có nêu “Về cấp, thoát nước: tiếp tục nâng cấp, xây dựng hồ chứa cho các đảo lớn, đông dân hoặc có vị trí quan trọng như Cô Tô, Vĩnh Thực, Vân Đồn, Cái Chiên, Cái Hải, Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Hòn Mê, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Nhơn Châu, Phú Quý, Côn Đảo, Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Tre, Phú Quốc…. Đẩy mạnh điều tra trữ lượng nước dưới đất của một số đảo lớn để có kế hoạch khai thác, đồng thời nghiên cứu các biện pháp trữ nước mưa kết hợp khai thác nước dưới đất ở các đảo, nhất là tại các đảo nhỏ”. Vì vậy, công tác tìm kiếm nguồn nước trên các đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam là điều vô cùng quan trọng và cấp thiết.
Bên cạnh những khó khăn trong việc khoan thăm dò tìm kiếm nguồn nước, còn phải kể đến những khó khăn gian khổ khi vận chuyển người và phương tiện, máy móc khoan ra đảo tìm nước. Ở các đảo, địa hình khá hiểm trở, độ dốc địa hình lớn và bị phân cắt bởi nhiều thung lũng và khe suối cạn. Trên các đảo cây cối khá rậm rạp, xung quanh đảo là các bãi cát và đá. Phương tiện duy nhất ra đảo là những tàu đánh cá tròng trành trên sóng nước. Nhiều khi thiết bị hỏng hóc, dù là nhỏ nhất cũng phải chờ mua thiết bị thay thế từ đất liền hoặc đem vào bờ để sửa chữa, hiệu chỉnh. Gặp những ngày thời tiết xấu, đôi khi công tác điều tra, khảo sát phải bị tạm dừng hàng tuần, thậm chí lâu hơn thế vì không có thuyền bè nào dám ra khơi trong những ngày biển động.
Nhiều hôm bão to gió lớn ập đến bất ngờ, đánh dạt thuyền, các cán bộ của Trung tâm lại phải dừng chân tìm nơi trú ẩn, đợi trời yên biển lặng mới tiếp tục ra đảo. Thế nhưng các anh vẫn không nản lỏng, quyết tâm tìm được nguồn nước mới chịu quay về đất liền. Một chuyến ra đảo đối với mỗi người làm công tác địa chất thủy văn thường kéo dài khoảng chừng 3 tháng. Bởi lẽ, các công đoạn của một chuyến tìm nước ngoài đảo thường bắt đầu tư việc điều tra khảo sát, khảo sát địa vật lý và khoan các lỗ khoan, bơm và quan trắc nguồn nước.
Các kỹ sư đã dùng phương pháp phân tích ảnh vệ tinh phát hiện dấu hiệu các đứt gãy, sau đó đi lộ trình khảo sát tìm các dị thường đó ngoài thực địa, tiếp theo sử dụng các phương pháp địa vật lý để phát hiện chiều rộng và chiều sâu đới phong hóa nứt nẻ. Đây là những nguyên tắc cơ bản để tìm được mạch ngầm nguồn nước trên đảo. Với các chuỗi số liệu thủy văn và địa chất thủy văn trên các đảo còn hạn chế, công việc vốn đã khó khăn lại càng chồng chất khó khăn hơn.
Tuy nhiên, với nhiệt huyết và quyết tâm tìm ra nguồn nước để giúp cho dân trên các đảo bám đất, bám biển, những kỹ sư đã không ngại khó, ngại khổ, tìm kiếm và đánh giá được nguồn nước phục vụ một cách hiệu quả và thiết thực, đem lại hy vọng, niềm vui cho nhân dân trên đảo./.