Lưu vực sông Ba Chẽ phần nằm trong vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc bộ có diện tích 850 km². Sông Ba Chẽ với chiều dài trên 80km là sông lớn nhất trong hệ thống sông suối Ba Chẽ. Đoạn thượng lưu rất dốc, nhiều ghềnh thác. Từ thị trấn Ba Chẽ ra biển, lòng sông rộng dần. (Cửa sông Ba Chẽ gặp cửa sông Tiên Yên ở phía bắc và gặp cửa sông Voi Lớn ở phía nam. Chỗ gặp gỡ ba cửa sông – Ba Chẽ sông – chính là gốc tên Ba Chẽ. Cửa sông Ba Chẽ lớn nhất là Cửa Cái và đoạn hạ lưu sông Ba Chẽ có tên sông Cửa Cái).
Một đoạn sông Ba Chẽ.
Theo kết quả điều tra thực địa của dự án “Điều tra đánh giá sơ bộ tài nguyên nước tỷ lệ 1:50.000 vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc bộ” hệ thống sông lưu vực sông Ba Chẽ gồm 4 sông lớn thuộc đối tượng điều tra với tỷ lệ 1:50.000 là: Ba Chẽ, Quách, Đoáng Làng Cổng và 37 suối nhánh.
– Sông Ba Chẽ bắt nguồn từ TP. Hạ Long chảy đến huyện Ba Chẽ và đổ ra biển, sông có diện tích lưu vực khoảng 951 km2. Lưu lượng dòng chảy trung bình nhiều năm tại cửa ra lưu vực là 43,05 m³/s tương ứng với tổng lượng tài nguyên nước là 1357,7 triệu m³ (chiếm 6,90% tổng lượng tài nguyên nước mặt lưu vực Ba Chẽ).
– Sông Quách bắt nguồn từ xã Minh Cầm đến xã Đồng Sơn chảy chính theo hướng Bắc đổ vào sông Ba Chẽ, dài 36 km, lưu lượng dòng chảy trung bình nhiều năm là 2,79 m³/s, tổng lượng tài nguyên nước mặt là 88,09 triệu m³ (chiếm 6,49% tổng lượng tài nguyên nước toàn lưu vực).
– Sông Đoáng bắt nguồn từ xã Kỳ Thượng thành phố Hạ Long đến xã Đạp Thanh huyện Ba Chẽ, chảy theo hướng Tây Nam – Đông Bắc, dài 20 km, lưu lượng dòng chảy trung bình nhiều năm là 3,43 m³/s, tổng lượng tài nguyên nước mặt tương ứng là 108,1 triệu m³ (chiếm 7,96% tổng lượng tài nguyên nước mặt toàn lưu vực).
– Sông Làng Cổng chảy từ phía Nam xã Đồn Đạc, chảy về phía Bắc đổ vào sông Ba Chẽ dài 30km, lưu lượng dòng chảy trung bình nhiều năm là 5,66 m³/s, tổng lượng tài nguyên nước mặt là 178,45 triệu m3 (chiếm 13,14% tổng lượng tài nguyên nước mặt lưu vực sông Ba Chẽ).
* Về chất lượng nguồn nước mặt: Nhìn chung chất lượng nước ở Ba Chẽ trong và tương đối sạch, pH trung tính đạt yêu cầu đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp. Nước trên các suối qua xử lý sẽ đảm bảo chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân. Tuy nhiên, một số vị trí chỉ đảm bảo cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi (3 vị trí trên sông Ba Chẽ, 2 vị trí trên sông Quách, 1 vị trí trên sông Đoáng và 2 hồ chứa), 1 vị trí trên sông Quách không đáp ứng nhu cầu sử dụng.
* Về hiện trạng khai thác nước mặt: trên khu vực có hình thức khai thác chính là đập dâng với 27 công trình (chủ yếu nằm trên dòng nhánh), hồ chứa với 2 công trình, và 3 trạm bơm. Nhu cầu khai thác chính là cho mục đích tưới nông nghiệp, tiếp đến là cấp nước sinh hoạt, chỉ có 1 công trình cấp nước cho sản xuất công nghiệp.
* Về các vấn đề nổi cộm liên quan đến tài nguyên nước mặt: từ kết quả điều tra và tài liệu thu thập cho thấy các vấn đề nổi cộm liên quan đến tài nguyên nước trên lưu vực sông Ba Chẽ gồm: xâm nhập mặn và ảnh hưởng triều, sạt lở, bồi lấp, lũ lụt, có nguy cơ ô nhiễm. Tuy nhiên những vấn đề này mang tính chất cục bộ và không có hoặc ít ảnh hưởng đến người dân trong khu vực.
Nguồn nước cung cấp cho lưu vực sông Ba Chẽ chủ yếu là nước mưa. Lượng mưa năm bình quân trên toàn lưu vực sông Ba Chẽ là 1848 mm/năm, tương ứng với 1757,9 triệu m³/năm. Lưu vực sông Ba Chẽ nằm trong phạm vi điều tra của dự án có tổng lượng tài nguyên nước mưa là 1571,2 triệu m³ (chiếm 89,38% tổng lượng tài nguyên nước mưa toàn lưu vực).
Do có hệ thống sông suối chằng chịt nên vào mùa mưa (nhất là vào tháng 8, tháng 9) thường xảy ra lũ lụt. Gần đây do việc khai thác rừng bừa bãi cho nên nguồn sinh thủy bị ảnh hưởng, lượng nước rất hạn chế.
Tóm lại, kết quả điều tra, đánh giá cho thấy lưu vực sông Ba Chẽ không căng thẳng về nguồn nước nếu xét theo tiêu chí lượng nước khai thác, sử dụng so với lượng dòng chảy trên sông. Các nguồn nước mặt đều có khả năng cấp thêm một lượng nước khá lớn so với yêu cầu khai thác nước hiện trạng. Tuy nhiên do đặc điểm địa hình chia cắt, núi cao nên cần tìm giải pháp khai thác nước để sử dụng được tiềm năng nguồn nước mặt của vùng.