Dự án “Biên hội- thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 cho các tỉnh trên toàn quốc”

Với mục tiêu thành lập được bộ bản đồ tài nguyên nước dưới đất cho các tỉnh, thành trên toàn quốc phục vụ công tác quy hoạch, quản lý bảo vệ tài nguyên nước dưới đất; góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao cho Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia chủ trì thực hiện Dự án “Biên hội- thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 cho các tỉnh trên toàn quốc”.
1. Thời gian thực hiện dự án
– Thời gian bắt đầu: tháng 11/2011
– Thời gian kết thúc (dự kiến): năm 2016
2. Phạm vi thực hiện dự án
Phạm vi thực hiện dự án “Biên hội – thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 cho các tỉnh trên toàn quốc” bao gồm toàn bộ phần đất liền lãnh thổ Việt Nam và các đảo có diện tích từ 4km2 trở lên (tương đương 1cm2 trên bản đồ) với các tầng chứa nước đã nghiên cứu, đồng thời điều tra bổ sung cho các vùng chưa được điều tra đánh giá tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 (vùng Kon Tum – Nam Đông).
3. Tóm tắt nội dung và các hoạt động chủ yếu của dự án
– Thu thập các tài liệu, báo cáo điều tra, đánh giá, các bản đồ địa chất thủy văn tỷ lệ 1/200.000, 1/50.000, 1/25.000 và các loại bản đồ, sơ đồ, mặt cắt, số liệu trên cơ sở các dự án, đề tài đã thực hiện trong phạm vi thực hiện dự án;
– Biên tập và số hoá bản đồ địa hình tỷ lệ 1/200.000 toàn quốc trên cơ sở bản đồ địa hình tỷ lệ 1/50.000 đã thành lập;
– Đánh giá sơ bộ điều kiện tự nhiên (địa hình, khí tượng thuỷ văn, thảm thực vật) và xã hội (dân cư, định hướng phát triển kinh tế xã hội) của các tỉnh thành;
– Tổng hợp tài liệu, phân tích, xác định và thống nhất các nội dung, các khu vực cần thực hiện điều tra bổ sung, các lộ trình khảo sát, các tuyến đo địa vật lý, tuyến mặt cắt địa hình, địa chất thủy văn;
– Điều tra khảo sát bổ sung, đo địa vật lý, khoan địa chất thủy văn, hút nước thí nghiệm, lấy mẫu thí nghiệm và phân tích mẫu trên các diện tích chưa được điều tra đánh giá theo tỷ lệ 1/200.000 hoặc tỷ lệ lớn hơn;
– Điều tra đo vẽ bổ sung các tuyến lộ trình các mặt cắt ĐCTV đặc trưng của các cấu trúc ĐCTV chính, các tuyến lộ trình ghép nối các tờ bản đồ ĐCTV đã thành lập;
– Đánh giá lại trữ lượng tiềm năng và trữ lượng có thể khai thác nguồn nước dưới đất cho các tỉnh;
– Xây dựng các mặt cắt địa hình, địa chất, địa chất thủy văn phục vụ cho việc liên kết, ghép nối các tờ bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000;
– Tập hợp và xin ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn về các nội dung chỉnh lý, biên tập trên bản đồ;
– Phân tích, chỉnh lý tài liệu, biên tập và số hóa bản đồ;
– Tổng hợp, xây dựng hồ sơ sản phẩm kết quả của dự án;
– Tổ chức hội thảo, kiểm tra, đánh giá mức độ hoàn thành của dự án.
4.  Sản phẩm của Dự án
Nội dung các sản phẩm của dự án bao gồm:
a) Các báo cáo
– Báo cáo tóm tắt Dự án, số lượng 01 báo cáo
– Báo cáo kết quả điều tra thực địa, số lượng 01 báo cáo
– Báo cáo chuyên đề tiềm năng nước dưới đất toàn quốc, số lượng 01 báo cáo.
– Báo cáo chuyên đề tiềm năng nước dưới đất cho mỗi tỉnh, thành phố trên toàn quốc, số lượng 63 báo cáo. Các nội dung chủ yếu của báo cáo tương tự như báo cáo toàn quốc, nhưng giới hạn trong phạm vi của từng tỉnh, thành phố và nêu bật đặc điểm địa chất thuỷ văn, chất lượng và tữ lượng nước dưới đất của từng tỉnh. Kiến nghị các giải pháp bảo vệ nước dưới đất và khai thác nước dưới đất bền vững cho từng tỉnh, thành phố.
b) Các bản đồ
– Bộ bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 toàn quốc và 15 mặt cắt đặc trưng cho các miền ĐCTV.
– Bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 và 126 mặt cắt ĐCTV đặc trưng cho 63 tỉnh.
– Bản đồ mô đun dòng ngầm cho 63 tỉnh.
c) Các biểu đồ
Biểu đồ tổng hợp khoan bơm, số lượng 17 biểu đồ
d) Các phụ lục
– Phiếu lỗ khoan, giếng, điểm lộ: 148.500 phiếu
– Tổng hợp kết quả phân tích mẫu nước: 7.700
– Tổng hợp kết quả quan trắc: 747 điểm
– Tổng hợp kết quả đo địa vật lý
– Các sổ tổng hợp giếng, điểm lộ, lỗ khoan: 3 tập
e) Cơ sở dữ liệu thông tin của dự án:
Bao gồm toàn bộ thông tin, dữ liệu, bản đồ số được thực hiện trong khuôn khổ Dự án.
5. Nguồn vốn thực hiện dự án
Kinh phí thực hiện dự án được cấp từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế.
6. Tiến độ thực hiện dự án
– Năm 2014:
Đến 31/12/2014, dự án“Biên hội, thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 cho các tỉnh trên toàn quốc” đã hoàn thành các hạng mục công việc: thu thập, phân tích và tổng hợp tài liệu điều tra đánh giá tìm kiếm nước dưới đất; điều tra bổ sung các mặt cắt ghép nối các tờ bản đồ và mặt cắt địa chất thủy văn miền; phân tích diễn biến và bước đầu đánh giá tài nguyên nước dưới đất của 33 tỉnh trên toàn quốc; chuẩn bị nội dung thông tin và biên tập các bản đồ, các mặt cắt miền và mặt cắt ghép nối. Riêng đối với khu vực miền Trung mới tiến hành điều tra bổ sung ghép nối ranh giới địa tầng, lập mặt cắt địa chất thủy văn vùng cho các tỉnh phía Bắc và thực hiện được khoảng 2/5 công việc điều tra đánh giá tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000 vùng Kon Tum – Nam Đông (là vùng trước đây chưa từng được điều tra đánh giá ở tỷ lệ 1:200.000).
– Năm 2015: Trung tâm sẽ tập trung nguồn vốn được phân bổ để hoàn thành các sản phẩm cho các tỉnh phía Bắc.

(Thanh Loan- VP NAWAPI
Nguồn: Chủ nhiệm dự án)