Cần thiết phải điều tra, đánh giá tài nguyên nước lưu vực sông Lô – Gâm

Lưu vực sông Lô – Gâm là lưu vực sông Quốc tế nằm trên lãnh thổ hai quốc gia: Việt Nam và Trung Quốc với 316 km đường biên giới. Lưu vực có vị trí chiến lược chính trị, quân sự quan trọng đồng thời đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại qua các cửa khẩu.

13122017_4

Khu vực nghiên cứu

Lưu vực có địa hình chủ yếu là núi, bị chia cắt mạnh mẽ, ảnh hưởng sâu sắc đến mật độ sông suối và sự hình thành các tiểu vùng khí hậu. Do vậy đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phân bố theo không gian và thời gian của nước mưa, nước mặt trên lưu vực, nước dưới đất trong các tầng chứa nước. Đặc điểm địa hình, địa chất, địa mạo của lưu vực làm gia tăng các quá trình trượt lở, xói mòn và bồi lắng sông hồ.

Mặt khác, tài nguyên nước lưu vực sông Lô Gâm đang chịu nhiều áp lực từ phía thượng nguồn Trung Quốc cả về “chất” và “lượng” (diện tích lưu vực thuộc TQ 40,3%). Trong khi đó trên lưu vực các mâu thuẫn trong khai thác sử dụng nước giữa các ngành, giữa khu vực thượng và hạ lưu, giữa các địa phương không ngừng gia tăng.

Tình trạng thiếu nước cho ăn uống sinh hoạt xảy ra ở nhiều nơi, điển hình là khu vực vùng núi đá vôi Hoàng Su Phì, Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ (Hà Giang); Mường Khương, Bảo Hà (Lào Cai); Bảo Lâm, Bảo Lạc (Cao Bằng), Chợ Rã (Bắc Kạn)…Về mùa khô nước cho công nghiệp, nông nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản, nước cho thủy điện và giao thông thủy thường xuyên thiếu hụt trầm trọng. Ngược lại, về mùa mưa một số khu vực có lượng mưa và lượng dòng chảy tập trung quá lớn, do không có rừng che phủ, độ dốc lớn đã thường xuyên xảy ra các hiện tượng lũ lụt, lũ quét và lũ bùn đá. Nghiêm trọng nhất trong thời gian gần đây là lũ quét, lũ bùn đá ở Văn Chấn (Yên Bái), ở thượng nguồn các sông Lô, sông Gâm, sông Nhiệm gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân.

Bên cạnh đó hiện tượng suy thoái về chất lượng nước không ngừng gia tăng do tập tục sinh hoạt, sản xuất, chân nuôi của nhân dân còn lạc hậu, các chất thải không được thu gom, xử lý mà xả trực tiếp vào nguồn nước. Các hoạt động khai thác chế biến khoáng sản, tàn phá rừng đầu nguồn đã làm thay đổi cảnh quan địa hình, thảm thực vật làm suy thoái nhanh chất lượng nước.

Những năm qua việc điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt trên lưu vực sông Lô – Gâm mới chỉ được thực hiện trên dòng chính sông Lô, sông Gâm, sông Chảy và việc đánh giá hiện trạng chất lượng ở các báo cáo đơn lẻ, mang tính địa phương, phục vụ các quy hoạch thủy lợi là chính. Mạng lưới quan trắc tài nguyên nước mặt tập trung trên dòng chính sông Lô, sông Gâm, sông Chảy cũng chỉ có khoảng 30 trạm, phụ lưu lớn có diện tích lưu vực từ 200 km2 đến hàng ngàn km2 không hề có trạm quan trắc nào dẫn đến việc đánh giá tài nguyên nước mặt trên lưu vực sông Lô – Gâm còn rất nhiều hạn chế.

Cho đến nay cơ sở dữ liệu, thông tin về tài nguyên nước vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ để lập quy hoạch tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và an ninh quốc phòng. Chính vì vậy, dự án “Điều tra, đánh giá tổng quan tài nguyên nước tỷ lệ 1:100.000 lưu vực sông Lô – Gâm” là hết sức cấp thiết.