Biến đổi khí hậu: Khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đối mặt với nhiều thách thức mới.

Hiện nay, biến đổi khí hậu đã trở thành một vấn đề mang tính toàn cầu, và Việt Nam là một trong những quốc gia/vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Việt Nam nằm ở khu vực nhiệt đới cùng với địa hình phức tạp, tình hình hạn hán xảy ra tương đối thường xuyên, chỉ sau bão và lũ, với xu thế ngày càng khắc nghiệt gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là nguồn nước và sản xuất nông nghiệp. Tuy hạn hán có thể nhận biết trước và diễn ra tương đối chậm, nhưng việc phòng, chống lại rất khó khăn và phức tạp. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo hạn sớm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chủ động lập kế hoạch sản xuất, điều chỉnh kế hoạch cấp nước, trữ nước…

Đi kèm sự suy thoái và cạn kiệt nguồn nước làm phát sinh nhiều mâu thuẫn của người dân và các tổ chức khai thác cung cấp nước. Theo thống kê thì hiện tượng khiếu kiện liên quan đến sở hữu nguồn nước hoặc mâu thuẫn khi khai thác nước xảy ra năm sau nhiều hơn những năm trước. Khi các mẫu thuẫn không được xử lý kịp thời dẫn đến gia tăng bất ổn ảnh hưởng nhiều đến an sinh của người dân ở các địa phương hạn hán, xâm nhập mặn.

Trong những năm vừa qua, nước biển dâng đã gây thiệt hại lớn cho các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ. Điển hình là việc biển lấn vào đất liền gây mất đất sản xuất và thiệt hại về người và của đối với nhân dân vùng ven biển. Sự xâm nhập mặn diễn ra gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông – công nghiệp cũng như gây mất an ninh, chính trị trong khu vực.

Dự án “Điều tra đánh giá tổng thể nguồn nước, cảnh báo, dự báo phòng chống khô hạn, xâm nhập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên” do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia đang triển khai thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách của Nhà nước.

Dự án nhằm đánh giá hiện trạng, diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; Xây dựng hệ thống thông tin đầy đủ về số lượng, chất lượng nguồn nước mưa, nước mặt, nước dưới đất; Tích hợp, quản lý, cung cấp chia sẻ thông tin dữ liệu theo mô hình dữ liệu lớn nhằm chuẩn hóa, quán lý thống nhất, nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo, ra quyết định phục vụ mục tiêu chống hạn, xâm nhập mặn và ứng phó BĐKH tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; Đề xuất, thực hiện được các giải pháp cụ thể phòng chống khô hạn, xâm nhập mặn, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả và bảo vệ tài nguyên nước.

Qua đó, tiến hành thu thập các tài liệu điều tra, đánh giá hạn hán, xâm nhập mặn, tài liệu, địa hình, thủy văn, địa chất thủy văn và các tài liệu liên quan khác trên địa bàn 13 tỉnh triển khai Dự án; Khoanh định các vùng hạn hán, xâm nhập mặn, tìm kiếm nguồn nước mặt và nước dưới đất phục vụ chống hạn, phát triển nguồn nước; Đánh giá các nguồn nước chống hạn, các vị trí khai thác nước, lưu trữ nước mặt và bổ sung nhân tạo nước dưới đất; Giải pháp tổng thể về công trình và phi công trình trong dự báo, cảnh báo tài nguyên nước, hạn hán và xâm nhập mặn trong điều kiện ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu; lưu trữ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chống hạn, xâm nhập mặn,… đồng thời, quản lý tài nguyên nước vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

(Thanh Sơn)