Bảo vệ nước dưới đất ở Cà Mau trước nguy cơ sụt lún nền đất do khai thác nước ngầm quá mức

Cà Mau là tỉnh đồng bằng ven biển, là một trong ba khu vực kinh tế động lực của tỉnh (Tp. Cà Mau, TT. Năm Căn, TT. Sông Đốc), trong những năm gần đây kinh tế của thành phố Cà Mau phát triển khá mạnh và dân số tăng nhanh, kéo theo nhu cầu về sử dụng nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất ngày càng tăng cao và trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu, do nhu cầu sử dụng nước của người dân ngày càng lớn cả về số lượng và chất lượng.

Hiện nay, nguồn nước cung cấp cho thành phố Cà Mau chủ yếu là nước dưới đất, khai thác trong các tầng chứa nước qp2-3, n22, n21. Nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh Cà Mau phong phú nhưng hầu như bị mặn hoàn toàn. Nguồn nước mưa là nguồn nước nhạt có giá trị sau nguồn nước ngầm nhưng chỉ tập trung 6 tháng mùa mưa.

Để giải quyết nhu cầu về nước sinh hoạt của gia đình mình, các hộ dân đã tự thực hiện việc khoan giếng lấy nước, khi đó những giếng này thường khai thác ở tầng nông (tập trung chủ yếu ở tầng chứa nước n22 ), tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm thành phố và không đảm bảo yêu cầu về chất lượng (bị nhiễm phèn, mặn, mùi hôi…). Đồng thời, việc khai thác nước ngầm với lưu lượng lớn không theo quy hoạch cũng làm cho khả năng bị ô nhiễm các tầng nước dưới đất trong khu vực trở nên đáng lo ngại, đặc biệt là sự hạ thấp mực nước ngầm dẫn hiện tượng sụt lún nền đất có nhiều khả năng xảy ra.

Theo báo cáo kết quả sơ bộ của Viện Địa kỹ thuật Na Uy (NGI) cho thấy ở tỉnh Cà Mau có thể bị sụt lún nghiêm trọng từ trên bề mặt xuất phát từ hoạt động khai thác nước ngầm của 109.096 giếng với tổng lưu lượng khoảng 373.000m3/ngày đêm. Kết quả nghiên cứu cho thấy tốc độ sụt lún từ 1,56 – 2,30cm/năm. Nghiên cứu của NGI cũng chỉ ra, trong vòng 15 năm (1998-2013), tốc độ sụt lún mặt đất từ 30-80cm và theo dự báo trong vòng 25 năm tới, tốc độ sụt lún sẽ tăng lên 90-150cm và 210cm trong vòng 50 năm tới. Theo kết quả nghiên cứu năm 2016 của Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam (thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) cho thấy, nơi sụt lún sâu nhất ở Cà Mau đo được là 1,71cm/năm, sụt lún trung bình do khai thác nước ở Cà Mau khoảng 0,35cm/năm. Kết quả nghiên cứu cũng xác định có 3 nguyên nhân gây nên sụt lún mặt đất gồm sụt lún cấu kết do trầm tích trẻ, do khai thác nước và do chuyển động kiến tạo.

Để hạn chế tình trạng sụt lún nền đất từ việc khai thác quá mức, cần có phương án bảo vệ nguồn nước ngầm, cụ thể là xây dựng các phương án và đề xuất lộ trình khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất; khoanh định các khu vực hạn chế khai thác; các phương án hồi phục trữ lượng nước dưới đất, khoanh vùng bảo hộ vệ sinh công trình lấy nước sinh hoạt. Đó cũng là một trong những nhiệm vụ phải đạt được của đề án “ Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn”  do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia chủ trì thực hiện trong phạm vi đô thị Cà Mau. Việc thực hiện đề án là hết sức cần thiết nhằm phục vụ việc thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội; đảm bảo an ninh quốc phòng; là tài liệu quan trọng phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý, khai thác và sử dụng nước dưới đất trên địa bàn thành phố.