Đánh giá hiện trạng tình hình xâm nhập mặn vùng Đồng bằng công Cửu Long

Từ cuối năm 2014, El Nino đã ảnh hưởng đến nước ta, làm cho nền nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa, là nguyên nhân gây ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, đã gây thiệt hại nặng nề và tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng là Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Tính riêng năm 2015, ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, đã có gần 40.000 ha lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước, 122.000 ha cây trồng bị hạn hán, thiếu nước và hàng chục ngàn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Theo dự báo, El Nino tiếp tục ảnh hưởng và kéo dài đến giữa năm 2016. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình và các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Do mùa mưa năm 2015 đến muộn và kết thúc sớm, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua nên xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ hàng năm gần 2 tháng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, tình trạng xâm nhập mặn hiện nay như sau:
–    Khu vực sông Vàm Cỏ: Độ mặn lớn nhất đạt 8,1÷20,3 g/l, cao hơn TBNN từ 5,9÷6,2 g/l; phạm vi xâm nhập vào đất liền của độ mặn 4g/l (mức bắt đầu ảnh hưởng đến cây lúa) lớn nhất 90÷93 km, sâu hơn TBNN 10÷15 km.
–    Khu vực các cửa sông thuộc sông Tiền: Độ mặn lớn nhất đạt 14,6÷31,2 g/l, cao hơn TBNN từ 3,2÷12,4 g/l; phạm vi xâm nhập vào đất liền của độ mặn 4g/l lớn nhất 45÷ 65 km, sâu hơn TBNN 20÷25 km.
–    Khu vực các cửa sông thuộc sông Hậu: Độ mặn lớn nhất đạt 16,5÷20,5 g/l, cao hơn TBNN từ 5,9÷9,3 g/l; phạm vi xâm nhập vào đất liền của độ mặn 4g/l lớn nhất 55÷60 km, sâu hơn TBNN 15÷20 km.
–    Khu vực ven biển Tây (trên sông Cái Lớn): Độ mặn lớn nhất đạt 11,0÷ 23,8 g/l, cao hơn TBNN từ 5,1÷ 8,4 g/l; phạm vi xâm nhập vào đất liền của độ mặn 4g/l lớn nhất 60÷65 km, sâu hơn TBNN 5÷10 km.
Trong thời gian tới, mặn tiếp tục xâm nhập, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, khả năng kéo dài đến đầu mùa mưa (khoảng cuối tháng 5/2016). Cụ thể, như sau:
– Các vùng cách biển đến 45 km: Nguồn nước ngọt xuất hiện rất ít và gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông, gây ra tình trạng thiếu nước cho sản xuất và nước sinh hoạt.
– Các vùng cách biển từ 45÷65 km: Có khả năng bị mặn cao (>4g/l) xâm nhập. Nếu mưa đến chậm, xâm nhập mặn có thể kéo dài đến tháng 6/2016. Trong thời kỳ này, vào những đợt triều cường mặn sẽ xâm nhập sâu. Tuy nhiên, vào thời kỳ triều kém và chân triều có khả năng xuất hiện nước ngọt.
– Các vùng cách biển xa hơn 70÷75 km: Tuy ít gặp xâm nhập mặn 4g/l, nhưng cũng cần lưu ý trong các đợt triều cường, và vẫn là vùng xâm nhập của nước mặn nồng độ dưới 4g/l, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt.
Do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, từ cuối năm 2015 đến nay, nhiều diện tích cây trồng đã bị ảnh hưởng. Ở vụ Mùa và Thu Đông năm 2015, có khoảng 90.000 ha lúa bị ảnh hưởng đến năng suất, trong đó thiệt hại nặng khoảng 50.000 ha (Kiên Giang 34.000 ha, Sóc Trăng 6.300 ha, Bạc Liêu 5.800 ha,..). Vụ Đông Xuân 2015-2016, có 104.000 ha lúa bị ảnh hưởng nặng đến năng suất (chiếm 11% diện tích gieo trồng 8 tỉnh ven biển – đang bị ảnh hưởng nặng của xâm nhập mặn). Dự kiến, trong thời gian tới, diện tích bị ảnh hưởng khoảng 340.000 ha (chiếm 35,5% diện tích 8 tỉnh ven biển).

bai53_2a
Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực hiện nay đang bị ảnh hưởng nặng nhất của hạn hán, xâm nhập mặn và còn tiếp tục bị ảnh hưởng trong thời gian tới