Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng các chỉ tiêu đánh giá tham số địa điện phục vụ công tác điều tra nước dưới đất vùng đồng bằng sông Cửu Long”

Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng các chỉ tiêu đánh giá tham số địa điện phục vụ công tác điều tra nước dưới đất vùng đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Khoa học và Công nghệ (nguồn từ Ngân sách sự nghiệp khoa học) làm Chủ đầu tư, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia thực hiện năm 2014, ThS. Bùi Tiến Bình làm Chủ nhiệm đề tài.

1. Mục tiêu của đề tài:

Xác định mối quan hệ giữa các tham số địa vật lý, địa chất thủy văn, thủy hóa,… làm cơ sở điều chỉnh một số chỉ tiêu đánh giá tham số địa điện, với mục tiêu:

– Phân vùng mô hình mặt cắt địa điện vùng đồng bằng sông Cửu Long.

– Xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá tham số địa điện vùng đồng bằng sông Cửu Long.

2. Nhiệm vụ của đề tài:

– Thiết kế công cụ quản lý và khai thác tài liệu thu thập phục vụ các nghiên cứu của đề tài. Các tài liệu thu thập bao gồm:

+ Một số kết quả báo cáo của các công trình nghiên cứu tổng thể về địa chất (ĐC) và địa chất thủy văn (ĐCTV) vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL);

+ Tài liệu lỗ khoan địa vật lý đo sâu điện (ĐSĐ) và địa vật lý lỗ khoan (ĐVLLK) ĐCTV trong vùng ĐBSCL.

+ Tài liệu lỗ khoan nghiên cứu ĐC / ĐCTV và chất lượng nước dưới đất (NDĐ).

– Phân tích tổng hợp tài liệu thu thập để hiệu chỉnh / chi tiết hóa cấu trúc ranh giới địa tầng ĐC và lập bản đồ phân vùng mô hình mặt cắt địa điện vùng ĐBSCL. Các nội dung cụ thể như sau:

+ Thành lập mạng lưới tuyến lỗ khoan toàn vùng ĐBSCL để thành lập các mô hình mặt cắt địa điện;

+ Thành lập bộ bản đồ phân vùng nước nhạt các tầng chứa nước chính ở vùng ĐBSCL.

+ Thành lập bản đồ phân vùng mô hình mặt cắt địa điện vùng ĐBSCL.

Kết quả nghiên cứu (a) và (b) nhằm đạt mục tiêu phân vùng (kiểu) mô hình địa điện vùng ĐBSCL. Đây là tài liệu cơ sở, làm tiền đề cho việc chọn đúng đối tượng nghiên cứu và thông số phương pháp (địa vật lý) phù hợp với những khu vực nghiên cứu cụ thể.

– Xây dựng các chỉ tiêu địa điện : Xây dựng các hàm tương quan hồi quy (HTQ) lập biểu đồ quan hệ giữa tham số điện trở suất (ĐTS) thành hệ chứa nước và độ tổng khoáng hóa (M) của NDĐ (quan hệ ĐTS – M), Cụ thể như sau:

+ Phân tích và tổng hợp tài liệu thiết kế bộ số liệu mẫu để lập các biểu đồ HTQ biểu diễn quan hệ ĐTS – M;

+ Thành lập biểu đồ quan hệ giữa tham số ĐTS thành hệ và tham số M của NDĐ theo bộ số liệu mẫu.

+ Thành lập bộ chỉ tiêu địa điện khả dụng ở vùng ĐBSCL.

– Triển khai thực nghiệm thành lập báo cáo địa vật lý: Thành lập báo cáo địa vật lý vùng Bắc Sông Tiền trên cơ sở áp dụng các chỉ tiêu mới thành lập và ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu suất tự động hóa và chuẩn hóa quy trình lập báo cáo. Công việc cụ thể như sau:

+ Thiết kế bộ công cụ xử lý thông tin địa chất trên nền tảng Microsoft Access với khả năng quản lý thống nhất dữ liệu từ tài liệu thu thập, xử lý thông tin và nhập / kết xuất kết quả nghiên cứu dưới dạng các bảng biểu báo cáo, biểu đồ, mặt cắt, bản đồ chuyên môn địa vật lý – địa chất thủy văn;

+ Thành lập báo cáo địa vật lý vùng Bắc Sông Tiền với nguồn dữ liệu (địa vật lý, địa chất, ĐCTV,…) được quản lý thống nhất trong và khai thác từ phần mềm Microsoft Access.

+ Giới thiệu tóm tắt sơ đồ thủ tục chuẩn thành lập báo cáo địa vật lý trong khuôn khổ công trình nghiên cứu ĐCTV vùng ĐBSCL.