Hiện trạng công tác kiểm kê, quan trắc, điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt tại Việt Nam

Tài nguyên nước mặt là một phần quan trọng của cuộc sống và phát triển kinh tế của Việt Nam. Để đảm bảo bền vững của tài nguyên này, công tác kiểm kê, quan trắc, điều tra và đánh giá tài nguyên nước mặt đã và đang trở thành một vấn đề cấp bách tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có nhiều thách thức và khó khăn trong việc quản lý và bảo vệ tài nguyên nước mặt trong quá trình phát triển đô thị và nông thôn.

Một số vấn đề quan trọng cần được đề cập khi nói về thực trạng công tác kiểm kê, quan trắc, điều tra và đánh giá tài nguyên nước mặt ở Việt Nam bao gồm:

Sự thiếu hụt dữ liệu và thông tin: Có sự khan hiếm về dữ liệu liên quan đến lượng và chất lượng tài nguyên nước mặt, dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá và quản lý hiệu quả.

– Trạm quan trắc tài nguyên nước mặt độc lập hiện có 13 trạm, gồm: 06 trạm quan trắc tài nguyên nước mặt thuộc mạng quan trắc quốc gia và 07 trạm quan trắc nguồn nước xuyên biên giới Việt – Trung. Ngoài ra, hiện nay có 10 trạm đang đầu tư xây dựng trong dự án Quản lý tổng hợp TNN Mê Công, trong kỳ kiểm kê (giai đoạn 2021 – 2025) dự kiến xây mới 8 trạm.

– Trạm tài nguyên nước mặt lồng ghép với trạm thủy văn: hiện có 67 trạm, đang đầu tư 23 trạm, trong kỳ kiểm kê (giai đoạn 2021 – 2025) dự kiến nâng cấp 23 trạm. Các trạm tài nguyên nước mặt lồng ghép với trạm thủy văn đang được đầu tư xây dựng có 23 trạm thuộc dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long do Ngân hàng thế gới tài trợ (WB9) và dự án tư xây dựng mạng lưới quan trắc, giám sát tài nguyên nước và tăng cường công tác điều phối việc vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông: Vu Gia – Thu Bồn, Cả (WB8).

 – Ngoài ra, mạng lưới quan trắc thủy văn trên toàn quốc theo Công văn số 562/TCKTTV-QLML ngày 27 tháng 4 năm 2020 của Tổng cục Khí tượng thủy văn về việc thống nhất số liệu thống kê và cập nhật thông tin các trạm khí tượng thủy văn thì hiện nay trên toàn quốc có 404 trạm thủy văn, trong đó: 242 trạm thủy văn truyền thống (gồm có 70 trạm hạng I, 24 trạm hạng II và 148 trạm hạng III) và 162 trạm thủy văn tự động độc lập đo mực nước và lượng mưa. Mật độ trung bình của các trạm trên các hệ thống sông chính là 4.140 km2/trạm, trên các sông nhỏ là 4.090 km2/trạm. Về phân bố, các trạm chủ yếu nằm trên sông chính và nhánh lớn; các trạm đầu nguồn, các sông nhánh còn thiếu. Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn được thiết kế tuy chưa phản ánh được đầy đủ thông tin, số liệu về nguồn nước nhưng là nguồn thông tin, số liệu quan trọng trong xác định các chỉ tiêu kiểm kê tài nguyên nước. Bên cạnh đó, theo kết quả rà soát hệ thống trạm quan trắc với 849 nguồn ngước liên tỉnh, liên quốc gia hiện có chỉ có khoảng 100 nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia có trạm quan trắc, do đó số liệu quan trắc, đo đạc trên các sông liên tỉnh, liên quốc gia còn thiếu và chưa đồng bộ.

            Về công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt trên phạm vi toàn quốc như sau:

Giai đoạn trước năm 2012: công tác điều tra, đánh giá nguồn nước mặt chủ yếu do các cơ quan Trung ương thực hiện lồng ghép trong các nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá có liên quan đến tài nguyên nước. Từ các tài liệu điều tra, thu thập, tổng hợp, đã được phân tích, đánh giá, làm rõ một số đặc điểm tài nguyên nước mặt trên dòng chính các lưu vực sông lớn như: Bằng Giang – Kỳ Cùng, Hồng – Thái Bình, Mã, Cả, Ba, Sê San, Srêpôk,… Trong giai đoạn này các quy trình/ quy chuẩn điều tra đánh giá chưa được hoàn thiện nên các dự án này được thực hiện theo trình tự, nội dung, đối tượng chưa được thống nhất nên chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước mặt.

Giai đoạn: 2012 – 2020: với sự hoàn thiện của hệ thống VB QPPL và hướng dẫn kỹ thuật đối với công tác điều tra cơ bản, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện một số dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt trên các vùng trọng điểm như: LVS Hồng – Thái Bình, vùng Thủ đô, vùng biên giới, vùng kinh tế trọng điểm, vành đai ven biển,.. Ngoài ra, công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt còn được thực hiện lồng ghép và kết hợp nhiều nội dung trong một số dự án điều tra cơ bản như điều tra hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước, điều tra hiện trạng khai thác sử dụng tài nguyên nước mặt,…Nhìn chung, kết quả của các dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt trong giai đoạn này đã đánh giá số lượng và chất lượng các nguồn nước; lập bản đồ đặc trưng lưu vực sông, bản đồ đặc trưng các sông, suối,… theo quy định chi tiết tại thông tư số 12/2014/TT-BTNMT. Tuy nhiên, các dự án thực hiện theo phạm vi và quy mô không đồng nhất về tỷ lệ cũng như lưu vực sông nên kết quả không đồng nhất và thiếu tính toàn diện. Cụ thể:

+ Xét về số lượng nguồn nước mặt đã thực hiện điều tra, đánh giá số lượng, chất lượng nguồn nước của 339/3.450 sông ở tỷ lệ 1:200.000, 346/3.450 sông ở tỷ lệ 1:100.000 và 237/3.450 sông ở tỷ lệ 1:50.000.

+ Xét theo vùng kinh tế trọng điểm, diện tích điều tra ở tỷ lệ 1:100.000 cũng tương đối thấp, cao nhất chỉ chiếm 22,1% ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

+ Xét về tỷ lệ 1:200.000 và 1:100.000 được thực hiện ở cấp lưu vực và 1:50.000 ở cấp vùng /địa phương nhưng chưa được thực hiện đồng bộ trên cả nước, mới chỉ được thực hiện phần diện tích khá nhỏ do hạn chế về nguồn lực.

Giai đoạn từ năm 2020 – nay (kỳ kiểm kê): hiện có một số dự án điều tra cơ bản đang triển khai, trong đó có 05 dự án điều tra đánh giá tài nguyên nước và 11 dự án điều tra đánh giá tài nguyên nước lồng ghép trong nhiệm vụ xác định sức chịu tải của nguồn nước liên tỉnh liên quốc gia. Trong các dự án này, có 02 dự án thực hiện ở tỷ lệ 1:100.000 và 02 dự án thực hiện ở tỷ lệ 1:50.000. Kết quả thực hiện của các dự án thực hiện trong giai đoạn này sẽ được kế thừa, cập nhật phục vụ kiểm kê tài nguyên nước. Chi tiết các dự án đang thực hiện như sau:

+ “Điều tra, đánh giá tổng quan tài nguyên nước tỷ lệ 1: 100.000 lưu vực sông Lô- Gâm” (gọi tắt là dự án Lô – Gâm) Năm 2020 đã hoàn thành điều tra đánh giá TNN đối với LVS Chảy; (thực hiện từ 2011 đến nay)

+ Điều tra, đánh giá sơ bộ tài nguyên nước tỷ lệ 1:50.000 vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ;

+ Điều tra, đánh giá lập bản đồ tài nguyên nước và chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế – xã hội lưu vực sông Cả;

+ Điều tra, đánh giá, lập bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1:50.000 vùng kinh tế trọng điểm miền Trung;

+ Điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt các xã biên giới việt – lào từ Hà Tĩnh đến Kon Tum (tỷ lệ 1/100.000).