Họp tham vấn với DHI dự án hỗ trợ kỹ thuật tính toán tài nguyên nước xuyên biên giới lưu vực sông Hồng – Thái Bình

Sáng ngày 30/08/2022 tại trụ sở Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, đã diễn ra cuộc họp tham vấn với DHI dự án hỗ trợ kỹ thuật tính toán tài nguyên nước xuyên biên giới lưu vực sông Hồng – Thái Bình. Chủ trì cuộc họp là Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tống Ngọc Thanh, cùng tham dự có Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Hà; đại diện Lãnh đạo Ban Quan trắc giám sát tài nguyên nước, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc, Trung tâm Cảnh báo và Dự báo tài nguyên nước và Trung tâm Dữ liệu tài nguyên nước và đại diện phía Climate Technology Centre & Network (CTCN)/DHI.

 Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tống Ngọc Thanh chủ trì cuộc họp                                                                     (bên phải màn hình)

Báo cáo tại cuộc họp, Phó tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Nguyễn Ngọc Hà cho biết, Lưu vực sông Hồng – Thái Bình chảy qua 3 nước Việt Nam, Trung Quốc, Lào với tổng diện tích tự nhiên là 169000 km2, trong đó: 81200 km2 thuộc Trung Quốc, 88200 km2 thuộc Việt Nam, 1100 km2 thuộc Lào. Dự án đã chia diện tích Lưu vực sông Hồng – Thái Bình thuộc Việt Nam thành 5 vùng quy hoạch: lưu vực sông Đà, lưu vực sông Thao, lưu vực sông Lô – Gâm, lưu vực sông Cầu – Thương, vùng đồng bằng sông Hồng.

Các vấn đề cần giải quyết Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng – Thái Bình:

Về số lượng nước: Điều hòa, phân bổ nguồn nước bảo đảm hài hòa lợi ích cho các địa phương, các đối tượng khai thác, sử dụng nước. Giải pháp để vận hành tối ưu việc xả nước từ các hồ ở thượng nguồn các sông. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước ở hạ lưu và nâng cao giá trị tài nguyên nước.

Về chất lượng nước: Giải pháp để cải tạo phục hồi nguồn nước mặt, đặc biệt trên các sông đang xảy ra ô nhiễm nghiêm trọng như sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu.

Về chất lượng, số lượng và thông tin dữ liệu về TNN: Chủ động đối với thông tin, số liệu về chất lượng, số lượng nguồn nước từ ngoài lãnh thổ vào Việt Nam trên LVS Hồng – Thái Bình. Bảo đảm số lượng nước, mục tiêu chất lượng nước của các sông liên tỉnh trong kỳ quy hoạch.

Các mô hình Trung Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã thiết lập trong dự án gồm: mô hình thủy văn Mike Nam, mô hình cân bằng nước Mike Hydro Basin, mô hình thủy lực Mike Hydro River, mô hình nước dưới đất. Tất cả các mô hình đã được đưa vào hệ thống tác nghiệp MO.

Hạn chế trong tính toán tài nguyên nước xuyên biên giới lưu vực sông Hồng – Thái Bình

Trong công tác quy hoạch:

– Đang sử dụng mô hình thủy văn Mike NAM để mô phỏng tính toán lượng nước từ Trung Quốc chảy sang Việt Nam, sử dụng nguồn số liệu chính được tính toán trên cơ sở phương pháp thống kê sử dụng tài liệu thực đo tại các trạm quan trắc đặt ở khu vực biên giới giữa hai nước. Tuy nhiên độ tin cậy của phương pháp dự báo này còn thấp.

– Khi sử dụng số liệu mưa quan trắc được phía Việt nam để mô phỏng lượng mưa từ bên Trung Quốc nhập cho các mô hình thủy văn và thuỷ lực cho kết quả dòng chảy vào Việt nam có sai số lớn. Các dự liệu này chỉ có tính tham khảo, không sử dụng được để tính toán lập quy hoạch tài nguyên nước.

– Dữ liệu mưa dự báo từ các kênh vệ tinh nguồn mở đang được một số Trường, Viện nghiên cứu áp dụng trong dự báo ngắn hạn và trung hạn (ngày, tháng, 6 tháng). Tuy nhiên kết quả mới dừng lại ở mức độ nghiên cứu, không đáp ứng nhu cầu dự báo diễn biến tài nguyên nước trong kỳ quy hoạch (thường có giai đoạn 10 năm đến 30 năm).

– Do thiếu số liệu vận hành các công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi, số liệu về khai thác sử dụng nước thượng nguồn phía Trung Quốc nên các mô phỏng để tính toán lượng dòng chảy qua biên giới đang có sai số lớn.

Trong công tác cảnh báo, dự báo: Hiện tại Trung tâm Cảnh báo, dự báo tài nguyên nước thuộc NAWAPI đang dùng dữ liệu mưa từ các nguồn vệ tinh (Chirps- 6 tháng; NMME- 16 ngày) và mưa tháng, mùa, năm từ bản tin của Tổng cục KTTV để tính toán và dự báo dòng chảy cho lưu vực. Tuy nhiên, mức độ chính xác chưa cao, thiếu các trạm kiểm định

Các yêu cầu về tính toán tài nguyên nước xuyên biên giới lưu vực sông Hồng – Thái Bình

Nhu cầu về hệ thống mô hình: phục vụ tính toán và dự báo tài nguyên nước từ thượng nguồn vào địa phận Việt Nam và chảy truyền trong hệ thống các sông chính của hệ thống sông Hồng-Thái Bình (mô hình thủy văn mưa- dòng chảy: Ex: Mike NAM, Mike SHE,…; mô hình thủy lực: Ex: Mike 11HD,…; mô hình cân bằng nước: Ex: Mike Hydro Basin,…)

Nhu cầu về nguồn dữ liệu: Đa nguồn dữ liệu bao gồm dữ liệu thực đo về lượng mưa, bốc hơi, dòng chảy, và nguồn dữ liệu vệ tinh (NMME, CHIRPS…) trên lưu vực với bước thời gian ngày đến địa phận Việt Nam. Các nguồn dữ liệu mưa vệ tinh phải được phân tích, tổ hợp để hiệu chỉnh lượng mưa phù hợp với thực đo tại các vị trí có quan trắc.

Yêu cầu: Hệ thống mô hình cần xét được ảnh hưởng của các yếu tố sinh dòng chảy (sử dụng đất, thảm phủ,…); khai thác sử dụng nước, chuyển nước; thay đổi chế độ dòng chảy do vận hành của các hồ thủy lợi, thủy điện. Các mô hình cần phải được liên kết với nhau để dễ dàng đồng bộ, liên kết các đầu vào đầu ra. Hệ thống mô hình được tích hợp tự động các yếu tố dự báo như lượng mưa, nhiệt độ… là đầu vào mô hình từ số liệu thực đo, từ các nguồn vệ tinh để dự báo dòng chảy về địa phận Việt Nam theo thời gian thực, dự báo ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Đưa vào hệ thống Mike Operation sẵn có của Trung Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia để vận hành tác nghiệp hàng ngày, tháng, mùa, năm.

Các nội dung hợp tác giữa Trung Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia và Climate Technology Centre & Network (CTCN)/DHI

Hỗ trợ chuyển giao công nghệ, công cụ và nguồn dữ liệu phục vụ tính toán, dự báo tài nguyên nước xuyên biên giới Việt Nam – Trung Quốc trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình. Hỗ trợ về hiệu chỉnh, tính toán mô hình thủy lực hệ thống sông, tính toán vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình. Giải quyết các nội dung kỹ thuật, tính toán mô hình trên cơ sở các ý kiến góp ý của các đơn vị trong và ngoài Bộ TNMT về nội dung của Quy hoạch.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng giám đốc Tống Ngọc Thanh cho biết, dự án sẽ xây dựng hệ thống, bộ công cụ các mô hình quy hoạch tác nghiệp. Sau đó sẽ bàn giao cho Trung tâm Cảnh báo và Dự báo tài nguyên nước để đưa ra các bản tin dự báo, thông báo, cảnh báo hàng tháng lưu vực sông Hồng – Thái Bình giúp cho cơ quan quản lý đưa ra điều chỉnh về nguồn nước, điều chỉnh các hành vi khai thác sử dụng tài nguyên nước, điều chỉnh hoặc thêm bớt công trình khai thác sử dụng nước.

Cũng tại cuộc họp, đại diện DHI cho biết, DHI rất vui mừng khi được CTCN lựa chọn là đơn vị hỗ trợ dự án cho NAWAPI. Thông qua tham vấn thì chúng tôi đã thu thập biết được hoạt động của các đơn vị và tình hình dữ liệu chưa được chia sẻ và đã được chia sẻ giữa các đơn vị liên quan. DHI hy vọng dự án sẽ đưa ra được công nghệ, cải thiện công tác dự báo dòng chảy xuyên biên giới lưu vực sông Hồng – Thái Bình, đóng góp trong kỳ quy hoạch tiếp theo. DHI mong rằng kết quả công nghệ không chỉ hỗ trợ cho công tác tác nghiệp, hoạt động thường xuyên mà còn hỗ trợ cho công tác quy hoạch lưu vực sông.

                                                         Đại diện DHI tại cuộc họp

Kết thúc cuộc họp, Tổng giám đốc Tống Ngọc Thanh đánh giá cao năng lực của phía đơn vị DHI về công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên nước và mong muốn sự hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật tính toán tài nguyên nước xuyên biên giới từ DHI cho Trung Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia. Tổng giám đốc chúc cho hai bên sẽ cùng nhau hợp tác dự án thành công, tốt đẹp.

                                                            Toàn cảnh cuộc họp