Đề xuất một số giải pháp khai thác, sử dụng sét bùn, nước khoáng phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng và hỗ trợ chữa bệnh tại tỉnh Khánh Hòa

Khánh Hòa là vùng đất được thiên nhiên ban tặng nhiều nguồn nước khoáng và sét bùn. Trong nhiều năm qua, nước khoáng đã được một số doanh nghiệp đầu tư thăm dò khai thác sử dụng phục vụ đóng chai giải khát, kết hợp với sét bùn tạo nên sản phẩm ngâm tắm, nghỉ dưỡng và hỗ trợ chữa bệnh, tạo nên thương hiệu nổi tiếng của tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, từ trước đến nay chưa có công trình nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tiềm năng và chất lượng nước khoáng và sét bùn của tỉnh, để tạo nên nguồn tài liệu phục vụ công tác khai thác, sử dụng hợp lý phục vụ cho du lịch, nghỉ dưỡng và hỗ trợ chữa bệnh. Để giải quyết vấn đề trên, được sự đồng ý của UBND tỉnh Khánh Hòa, từ năm 2015 – 2017, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung đã thực hiện đề tài nghiên cứu này.

Với trữ lượng, tài nguyên nguồn sét bùn và khả năng sử dụng chúng của các cơ sở du lịch, nghỉ dưỡng ở Khánh Hòa nên chọn công suất khai thác từ 400 – 800 tấn/năm, các lỗ khoan sâu 80 – 100 – 120 m, với đường kính khoảng 168 mm, đặt máy bơm điện chìm hoặc ly tâm (nếu nước phun hoặc nằm gần mặt đất) bơm nước khoáng và dùng trực tiếp không cần qua xử lý (có thể chỉ là giảm nhiệt độ) cho ngâm tắm, du lịch, nghỉ dưỡng và hỗ trợ chữa bệnh..

bai118

 

TS. Phan Chu Nam – Liên đoàn trưởng, tham gia ý kiến cho báo cáo

Từ đặc điểm phân bố các nguồn nước khoáng và sét bùn, quy hoạch phát triển du lịch Khánh Hoà trong tương lai, đề xuất hướng khai thác, sử dụng sét bùn, nước khoáng phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng và hỗ trợ chữa bệnh ở Khánh Hòa theo từng khu vực như sau:

Khu vực huyện Vạn Ninh có điều kiện thuận lợi có thể phát triển thành khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và hỗ trợ chữa bệnh với nguồn nước khoáng, sét bùn tại chỗ.

Khu vực thị xã Ninh Hòa có thể xây dựng thành cụm các khu du lịch nghỉ dưỡng với trung tâm là Khu Du lịch sinh thái Trường Xuân. Ngoài ra, có thể sử dụng 05 nguồn nước khoáng trong khu vực vào mục đích đóng chai giải khát.

Khu vực thành phố Nha Trang thuận lợi trong khai thác sử dụng. Nâng cấp, tạo thêm nguồn sản phẩm mới, nhất là hỗ trợ chữa bệnh (có thể hình thành bệnh viện), sử dụng nước khoáng sét bùn để chữa bệnh.

Khu vực phía bắc huyện Khánh Vĩnh và Diên Khánh có thể mở rộng khai thác nước khoáng ở cả hai nguồn Hòn Lây và Ba Cẳng để phục vụ cho du lịch ngâm tắm, kết hợp với loại hình du lịch sinh thái vùng núi.

Khu vực phía nam huyện Khánh Vĩnh và Diên Khánh có thể khai thác sử dụng phục vụ ngâm tắm, du lịch (Khánh Phú và Yang Bay) hoặc đóng chai giải khát.

Các nguồn sét bùn tại mỏ Đảnh Thạnh và Láng Nhớt, hiện nay và trong tương lai là nguồn cấp cho các trung tâm ngâm tắm nước khoáng- sét bùn phục vụ du lịch nghỉ dưỡng và hỗ trợ chữa bệnh ở thành phố Nha Trang và khu vực phía tây tỉnh.

Khu vực huyện Cam Lâm ngoài mục đích đóng chai còn có thể là nguồn nước để ngâm tắm nước khoáng phục vụ du lịch nghỉ dưỡng cho khu vực Cam Lâm, Khu CN Suối Dầu, bán đảo Cam Ranh.

Khu vực huyện Khánh Sơn có thể hướng theo mục đích đóng chai chữa bệnh (dùng cho bệnh nhân thiếu sắt).

Khu vực thành phố Cam Ranh có thể xây dựng thành Trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, chữa bệnh ngâm tắm nước khoáng lớn ở phía Nam tỉnh, có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ tắm nước khoáng – sét bùn cho người dân thành phố Cam Ranh và và một phần du khách đến từ Ninh Thuận.

Khánh Hòa có tiềm năng sét bùn và nước khoáng khá lớn và chúng phân bố tương đối đều trên toàn tỉnh. Chất lượng sét bùn và nước khoáng đều đảm bảo sử dụng phục vụ cho ngâm tắm, chữa bệnh. Trên cơ sở tiềm năng đó, tỉnh Khánh Hòa có thể xây dựng một số Trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng và hỗ trợ chữa bệnh bằng ngâm tắm nước khoáng – sét bùn.