Hội thảo khoa học tiềm năng nước khoáng, sét bùn tỉnh Khánh Hòa tại Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Trung

Sáng 15.11.2017, tại trụ sở cơ quan Liên đoàn, Hội thảo Khoa học kết quả thực hiện đề tài:“Tiềm năng nước khoáng, sét bùn tỉnh Khánh Hòa và giải pháp khai thác, sử dụng phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng và hỗ trợ chữa bệnh“ đã được tổ chức với sự tham gia của Lãnh đạo Liên đoàn, đại diện các đơn vị chuyên môn trực thuộc cơ quan, các chuyên gia thuộc Hội địa chất thủy văn Việt Nam và đại diện Sở KHCN tỉnh Khánh Hòa.

TS. Ngô Tuấn Tú, Chủ nhiệm đề tài, đã đại diện cho tập thể tác giả báo cáo các kết quả đánh giá tiềm năng, chất lượng, sự phân bố của các mỏ sét bùn và các nguồn nước khoáng ở Khánh Hòa đồng thời đề xuất giải pháp khai thác, sử dụng hợp lý chúng để phục vụ du lịch nghỉ dưỡng và hỗ trợ chữa bệnh. Buổi hội thảo đã diễn ra hết sức nghiêm túc, sôi nổi và chất lượng với nhiều ý kiến trao đổi xoay quanh các kết quả nghiên cứu.

bai117

 

TS. Ngô Tuấn Tú – Chủ nhiệm đề tài, trình bày báo cáo

Một số kết quả quan trọng:

– Tiềm năng và chất lượng sét bùn tỉnh Khánh Hòa: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã phát hiện được 18 vị trí phân bố và được xếp vào 15 mỏ, điểm sét bùn. Chúng phân bố ở Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Nha Trang và Cam Ranh.

Trên cơ sở kết quả thăm dò của 7 mỏ sét bùn và tài liệu thu thập, khảo sát bổ sung của đề tài, đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá tiềm năng sét bùn của tỉnh. Kết quả đánh giá cho thấy tổng trữ lượng sét bùn (cấp 122 + 222) là 482.033 tấn, trong đó cấp 122: 136.314 tấn và tổng tài nguyên cấp 222 là 345.719 tấn.

Kết quả nghiên cứu chất lượng sét bùn Khánh Hòa cho thấy tính chất lý – hóa của sét bùn Khánh Hòa không chứa các yếu tố độc hại, các chỉ tiêu cơ bản đáp ứng được cho mục đích sử dụng ngâm tắm phục vụ cho du lịch, nghỉ dưỡng và hỗ trợ chữa bệnh.

– Tiềm năng và chất lượng nước khoáng: Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã thống kê được 26 nguồn nước khoáng và được xếp vào 4 nhóm: 03 nguồn nước khoáng silic; 19 nguồn nước khoáng silic – fluor; 03 nguồn nước khoáng silic – fluor – brom; 01 nguồn nước khoáng silic – fluor – radon (hình 1).

Theo nhiệt độ của nước, nước khoáng ở Khánh Hòa được phân loại như sau: Nhiệt độ < 300C có 2 nguồn; Nhiệt độ từ 30 – 400C có 6 nguồn; Nhiệt độ từ 41- 500C có 7 nguồn; Nhiệt độ từ 51- 600C có 5 nguồn; Nhiệt độ >610C có 6 nguồn.

Tiềm năng (trữ lượng và tài nguyên dự tính) đã được xác định dựa trên kết quả thăm dò, điều tra khảo sát của 26 nguồn nước khoáng trên địa bàn tỉnh là tương đối lớn so với các tỉnh khác trên cả nước. Tiềm năng nước khoáng toàn tỉnh là 33.867 m3/ng, trong đó trữ lượng đã được thăm dò là 10.592 m3/ng và tài nguyên dự tính là 23.275 m3/ng.

Nhìn chung, nước khoáng Khánh Hòa có chất lượng tốt, nhiều nguồn có nhiệt độ cao, có thể sử dụng cho ngâm tắm, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, một số nguồn có thể đóng chai giải khát.