Quy hoạch tài nguyên nước – hướng đến mục tiêu phát triển bền vững – ĐBSCL Đảm bảo nước cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội

Hiện nay, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tập trung quy hoạch và siết chặt công tác quản lý, bảo vệ TNN để đảm bảo đủ nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong điều kiện BĐKH, nước biển dâng.

Tập trung quy hoạch, quản lý nguồn nước

Nhằm tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, các địa phương vùng ĐBSCL đã và đang tập trung cụ thể hóa những quy định của pháp luật về TNN tại địa phương; đồng thời triển khai quy hoạch TNN; siết chặt việc cấp phép khai thác TNN; giám sát hoạt động khai thác, sử dụng TNN của các tổ chức, cá nhân.

 Đảm bảo đủ nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, biến đổi khí hậu

Để đảm bảo chất lượng, khối lượng TNN phục vụ nhu cầu sinh hoạt, phát triển kinh tế, TP. Cần Thơ đã triển khai thực hiện các dự án về quy hoạch tài nguyên nước mặt, nước dưới đất; điều tra cơ bản TNN; lập danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước phục vụ cho công tác quản lý TNN ngày càng hiệu quả.

Chia sẻ với phóng viên, ông Đỗ Thanh Thảo – Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho biết: “Bên cạnh đẩy mạnh công tác quy hoạch, lập danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước, TP. Cần Thơ còn siết chặt việc cấp phép khai thác, sử dụng TNN, nếu khu vực nào đã có nhà máy cấp nước thì kiên quyết không cấp phép khai thác nước dưới đất; đồng thời vận động, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tái sử dụng lại nguồn nước thải, nước mưa”.

Đối với tỉnh Sóc Trăng, ông Ngô Thái Chân – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng cho rằng, hiện nay Sở TN&MT đang tăng cường công tác quản lý hồ sơ cấp phép TNN; giám sát khai thác, sử dụng TNN; triển khai các dự án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của các sông, kênh chính trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; đầu tư cải tạo, cải thiện chất lượng nguồn nước tại một số tuyến kênh rạch đang bị ô nhiễm.

Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng còn tập trung xây dựng đồng bộ, thống nhất mạng lưới cấp, thoát nước tại các đô thị trên địa bàn tỉnh; bắt buộc các khu, cụm công nghiệp khi đi vào hoạt động phải có nhà máy xử lý nước thải tập trung, nguồn nước thải phải xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra các sông, kênh rạch.

Còn với Hậu Giang, những năm gần đây, Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang cùng các cơ quan, đơn vị chức năng đã triển khai điều tra, đánh giá TNN dưới đất; lập, phê duyệt, công bố quy hoạch phân bổ TNN dưới đất đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo quy định; thẩm định, cấp giấy phép TNN đối với các công trình thuộc trường hợp phải có giấy phép; tăng cường các giải pháp phòng ngừa nguy cơ suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; đồng thời đẩy mạnh quy hoạch chuyển đổi sản xuất dựa trên hệ sinh thái nguồn nước ngọt, lợ, mặn; xây dựng hồ chứa nước ngọt để ứng phó với tình trạng thiếu nước do hạn hán, xâm nhập mặn.

Đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất

Những năm gần đây, mặc dù hạn hán, xâm nhập mặn vẫn thường xuyên xảy ra tại vùng ĐBSCL, song với sự chủ động của các ngành chức năng trong việc quy hoạch, quản lý, khai thác, sử dụng, tạo nguồn, tích trữ nước đã giúp cho các địa phương vùng ĐBSCL cơ bản đảm bảo nguồn nước cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.

Thông tin với phóng viên, ông Phạm Tấn Đạo – Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng cho biết, để ứng phó với tình trạng thiếu nước do hạn hán, xâm nhập mặn, thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung phân vùng sản xuất kết hợp với đầu tư hoàn thiện hệ thống đê bao, cống ngăn mặn; tổ chức nạo vét các tuyến sông, kênh rạch chính để tích trữ nước. Những giải pháp này đã giúp tỉnh Sóc Trăng đảm bảo đủ nước cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh ngay cả trong những tháng cao điểm mùa khô 2021 – 2022.

Cùng với đó, do có sự chủ động về nguồn nước tạo điều kiện cho tỉnh Sóc Trăng duy trì và phát triển diện tích sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã xuống giống hơn 335359ha lúa, tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2021; duy trì diện tích 28449ha cây ăn trái; gieo trồng hơn 36.000ha rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày.

Hiện nay, tỉnh Hậu Giang cơ bản đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi khép kín kết hợp với các cống ngăn mặn ở phía biển Đông và biển Tây, nên đã chủ động điều tiết, cung cấp đủ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đối với nguồn nước phục vụ sinh hoạt hằng ngày của người dân, các đơn vị cấp nước của tỉnh Hậu Giang đang tập trung khai thác nước mặt trên kênh Xáng Xà No, sông Hậu. Trong trường hợp nguồn nước mặt bị ảnh hưởng do mặn xâm nhập, các đơn vị cấp nước sẽ chuyển qua khai thác nước dưới đất tại 13 giếng khoan để cung cấp cho người dân ở đô thị và nông thôn sử dụng.

Trong khi đó, những năm gần đây, TP. Cần Thơ ngoài việc cung cấp đủ nguồn nước cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, còn đẩy mạnh hoạt động cấp nước sinh hoạt cho người dân ở khu vực đô thị và nông thôn. Theo báo cáo của ngành chức năng TP. Cần Thơ, tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ dân cư ở khu vực đô thị sử dụng nước sạch đạt 98%, khu vực nông thôn đạt 85,5%. Hiện nay, các ngành chức năng TP. Cần Thơ đang tiếp tục tập trung đầu tư nâng cấp các trạm cấp nước, lắp đặt đường ống dẫn nước để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao của người dân trong thời gian tới.

Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn