Yếu tố tích cực thúc đẩy quản lý và phát triển hiệu quả, bền vững tài nguyên nước ở Hạ lưu vực sông Mê Công

Nhằm hỗ trợ và củng cố việc thực hiện các thủ tục của Ủy hội sông Mê Công quốc tế liên quan đến Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA), tại cuộc họp lần thứ 17 được tổ chức tại Phnom Penh vào tháng 6 năm 2003, Ủy ban Liên hợp (JC) đã chỉ đạo Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế khởi động quá trình dự thảo Hướng dẫn Đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới (TbEIA).

Mục tiêu chính của Hướng dẫn TbEIA là nhằm hỗ trợ lồng ghép các nguyên tắc hợp tác nêu trong Hiệp định Mê Công 1995 về sử dụng công bằng và hợp lý tài nguyên nước, duy trì dòng chảy trên dòng chính, bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái, , , phòng ngừa và chấm dứt các tác động có hại, trách nhiệm của các nước về thiệt hại xảy ra vào trong các hoạt động hợp tác của Ủy hội.

Phạm vi của Hướng dẫn TbEIA bao gồm: Dự án thủy điện, các công trình thủy lợi, cảng, công trình sông và các công trình giao thông thủy, các dự án công nghiệp và khai thác mỏ và các dự án nuôi trồng thủy sản vv… và sẽ được áp dụng cho bất kỳ dự án hiện có hoặc đang và sẽ triển khai trên dòng chính sông Mê Công.

Theo đó, quy trình tổng thể của Hướng dẫn TbEIA bao gồm 8 bước chính sau: Xác định các tác động môi trường xuyên biên giới tiềm ẩn và sự cần thiết của TbEIA; Đề xuất TbEIA và tiến hành tham vấn trước; Xác định phạm vi đánh giá xuyên biên giới; Lập Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM); Tham vấn về Báo cáo ĐTM; Sự tham gia của cộng đồng, phổ biến thông tin và tham vấn ở các nước có khả năng bị ảnh hưởng; Phê duyệt và ra quyết định ĐTM; và Thực hiện và giám sát kết quả ĐTM.

Quá trình dự thảo Hướng dẫn đã bị kéo dài hơn mười năm chủ yếu do quan ngại của các quốc gia thượng nguồn là Hướng dẫn sẽ ngăn cản họ theo đuổi các kế hoạch khai thác và sử dụng nguồn nước sông Mê Công, đặc biệt là các công trình trên dòng chính, và ý tưởng về đánh giá tác động xuyên biên giới vẫn còn khá mới trên thế giới và rất xa lạ trong lưu vực (tất cả các quốc gia thành viên Ủy hội, bao gồm cả Việt Nam, đều chưa có các quy định hay hướng dẫn cụ thể về đánh giá tác động xuyên biên giới).

Trong hơn mười năm qua, các quy định và hướng dẫn kỹ thuật trong Hướng dẫn TbEIA đã được áp dụng trên thực địa trong khuôn khổ các dự án thí điểm tại các quốc gia thành viên thượng nguồn như: Campuchia, Lào, Thái Lan. Đặc biệt, CHDCND Lào gần đây đã cập nhật và đưa ra các hệ thống đánh giá tác động môi trường quốc gia, trong đó có hai chương riêng biệt về TbEIA và CIA cho các dự án phát triển với tác động tích lũy. Một số nội dung trong dự thảo Hướng dẫn TbEIA cũng đã được đưa vào triển khai thực hiện trong các đợt Ủy hội tiến hành tham vấn vùng cho các dự án thủy điện dòng chính của Lào. Việt Nam cũng đã phổ biến rộng rãi hơn tài liệu này cho cơ quan chịu trách nhiệm về đánh giá tác động môi trường và các cơ quan chủ quản trong việc thực hiện theo Hướng dẫn TbEIA.

“Hướng dẫn TbEIA cần được coi như là một tài liệu có tính linh hoạt cao, có thể tiếp tục được sửa đổi và điều chỉnh theo quá trình áp dụng trong các hoạt động hợp tác trong lưu vực, nhằm thúc đẩy các nỗ lực chung của Ủy hội trong quản lý và phát triển hiệu quả và bền vững tài nguyên nước ở Hạ lưu sông Mê Công” – Ông Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho biết.