Bản Tin Thông Báo, Dự Báo Và Cảnh Báo Tài Nguyên Nước Dưới Đất Tỉnh Kon Tum Tháng 06 Năm 2022

Bản tin thông báo, dự báo và cảnh báo tài nguyên nước dưới đất tỉnh Kon Tum được biên soạn hàng tháng, mùa, năm nhằm cung cấp các thông tin về số lượng, chất lượng nước, đồng thời dự báo tổng lượng nước đến, lượng nước có thể khai thác sử dụng tại các tiểu vùng dự báo và đưa ra những cảnh báo về tài nguyên nước nhằm phục vụ công tác quản lý Nhà nước, công tác điều tra cơ bản và quy hoạch tài nguyên nước.

Kon Tum là một tỉnh thuộc lưu vực sông Sê San có diện tích tự nhiên là 9.676,5 km2. Trong phạm vi tỉnh hiện nay có 19 công trình quan trắc tài nguyên nước dưới đất được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia quản lý và vận hành.

Tài nguyên nước dưới đất trong tỉnh được phân chia thành 3 tầng chứa nước chính, bao gồm: Tầng chứa nước lỗ hổng bồi tích hiện đại (Q), tầng chứa nước khe nứt lỗ hổng phun trào Bazan Pliocen-Pleistocen dưới β(n2-qp) và Tầng chứa nước khe nứt lỗ hổng vỉa các thành tạo đầm hồ trầm tích Neogen (n). Theo báo cáo thuộc dự án “Biên hội – thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000 cho các tỉnh trên toàn quốc”, tổng tài nguyên nước dự báo cho các tầng chứa nước như sau: Tầng chứa nước (Q) là 143.371 m3/ngày, tầng chứa nước β(n2-qp) là 286.080 m3/ngày, tầng chứa nước (n) là 141.914 m3/ngày.

  1. Thông báo tài nguyên nước dưới đất

Tầng chứa nước lỗ hổng bồi tích hiện đại (Q): Trong phạm vi tỉnh, mực nước trung bình tháng 5 có xu thế dâng so với tháng 4. Giá trị dâng cao nhất là 0,38m tại P.Quyết Thắng, TP.Kon Tum (LK121Tm2) và một công trình có mực nước hạ là 1,04m tại xã Diên Bình, huyện Đắk Tô (LK136Tm1). Mực nước trung bình tháng nông nhất là -0,78m tại xã Đắk Năng, TP.Kon Tum (LK132T) và sâu nhất là -8,37m tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy (LK2Tm1).

Tầng chứa nước khe nứt lỗ hổng phun trào Bazan Pliocen-Pleistocen dưới β(n2-qp): Theo kết quả quan trắc tại xã Ia Chim, TP.Kon Tum (LK130T) mực nước trung bình tháng 5 hạ 0,35m so với tháng 4.

Tầng chứa nước khe nứt lỗ hổng vỉa các thành tạo đầm hồ trầm tích Neogen (n): Trong phạm vi tỉnh, mực nước trung bình tháng 5 có xu thế hạ so với tháng 4. Giá trị hạ thấp nhất là 0,96m tại TT.Đắk Mra, huyện Đắk Hà (LK138Tm1) và dâng cao nhất là 0,21m tại xã Đắk Năng, TP.Kon Tum (LK131T).

Mực nước trung bình tháng nông nhất là -2,66m tại xã Ngọc Bay, TP.Kon Tum (LK133T) và sâu nhất là -19,08m tại xã Hà Mòn, huyện Đắk Hà (LK139Tm1).

  1. Dự báo mực nước dưới đất

Tầng chứa nước lỗ hổng bồi tích hiện đại (Q): Trong tháng 6 và tháng 7 mực nước có xu hướng dâng.

Tầng chứa nước khe nứt lỗ hổng phun trào Bazan Pliocen-Pleistocen dưới β(n2-qp): Trong tháng 6 và tháng 7 mực nước tại công trình LK30T có xu hướng dâng nhẹ.

Tầng chứa nước khe nứt lỗ hổng vỉa các thành tạo đầm hồ trầm tích Neogen (n): Trong tháng 6 và tháng 7 mực nước có xu hướng dâng.

  1. Cảnh báo mực nước dưới đất

Theo Nghị định 167/2018/NĐ-CP về Quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất, trong tỉnh thời điểm hiện tại có 2 công trình có độ sâu mực nước cần phải cảnh báo. Đó là:

– Công trình LK131T TCN (n) – xã Đắk Năng, TP.Kon Tum độ sâu mực nước trung bình tháng 5 là -15,47 m đạt 51,57% so với mực nước hạ thấp cho phép (-30m).

– Công trình LK137T (TCN n – xã Diên Bình, huyện Đắk Tô) độ sâu mực nước trung bình tháng 5 là -16,55 m đạt 55,17% so với mực nước hạ thấp cho phép (-30m).

– Công trình LK139Tml (TCN n – xã Hà Mòn, huyện Đắk Hà) độ sâu mực nước trung bình tháng 3 là -18,33m đạt 61,10% so với mực nước hạ thấp cho phép (-30m) .

Các đơn vị khai thác nước dưới đất cần chú ý chế độ khai thác quanh khu vực này.

Xem chi tiết tại đây.