THỬ NGHIỆM DỰ BÁO NGUỒN NƯỚC MẶT LƯU VỰC SÔNG SREPOK BẰNG PHƯƠNG PHÁP TÍCH HỢP MÔ HÌNH MÃ NGUỒN MỞ VỚI DỮ LIỆU MƯA TOÀN CẦU

 

Lưu vực sông Srê Pốk là một trong 10 hệ thống lưu vực sông lớn có vị trí đặc biệt quan trọng của nước ta, toàn bộ lưu vực sông Srê Pốk (trong lãnh thổ Việt Nam) có diện tích tự nhiên khoảng 18.230 km2, trải rộng trên phần lớn diện tích tỉnh Đắk Lắk, một phần tỉnh Đắk Nông và 2 huyện của tỉnh Lâm Đồng. Hiện nay, lưu vực sông Srê Pốk đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến tài nguyên nước như: tình trạng cạn kiệt nguồn nước mặt, trong khi lượng nước khai thác ngày càng gia tăng, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện ngày càng nhiều. Hơn nữa, với đặc điểm vừa là sông liên quốc gia và liên tỉnh, nguồn nước các sông xuyên biên giới trong lưu vực sông chưa được kiểm soát, các thông tin, số liệu về nguồn nước còn rất nghèo, các trạm quan trắc tài nguyên nước của các sông xuyên biên giới vẫn còn rất thiếu.Với những vấn đề cấp bách về tài nguyên nước đang diễn ra trên lưu vực, vấn đề quản lý khai thác bền vững nguồn nước lưu vực sông Srêpôk ngày càng được quan tâm.

DL49

Rất nhiều đề tài, dự án cũng như công tác nghiệp vụ ở nhiều cấp khác nhau được triển khai.Cụ thể, tại Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương và Đài KTTV khu vực Tây Nguyên sử dụng chính phương pháp thống kê, hồi quy dự báo hạn 10 ngày. Phương trình hồi quy được thiết lập dựa trên yếu tố mực nước trung bình của 10 ngày trước, lượng mưa bình quân lưu vực dự báo, mực nước trung bình của 10 ngày của thời kỳ dự báo cho trạm Bản Đôn. Tuy nhiên, các phương án này còn nhiều bất cập:

Hệ các phương trình này không xem xét tới yếu tố tác động của hồ chứa cũng như sự điều tiết, phân bổ nước theo các thời kỳ mùa cạn khác nhau từ các hồ chứa.  

Kết quả lại phụ thuộc nhiều vào mưa dự báo. 

Yếu tố dự báo dòng chảy mùa cạn chưa xem xét phân tích tương quan với các nhân tố khí tượng, khí hậu khác như nhiệt độ, độ ẩm,…chưa xem xét đến tác động điều tiết của các hồ chứa thủy điện trong mùa cạn đối với các trạm vùng hạ lưu.

Kết quả dự báo hạn dài còn hạn chế nhất là tại các vị trí hạ lưu.

Do đó, công tác dự báo dòng chảy mùa cạn nói chung và dự báo phục vụ Quy trình vận hành liên hồ chứa còn gặp hạn chế về chất lượng.

Về phương pháp dự báo, trong khi cách tiếp cận thống kê bộc lộ nhiều nhược điểm và đang tìm hướng phát triển mới thì cách tiếp cận mô hình hóa mô phỏng đang phát triển mạnh trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là mô hình thông số phân bố từ khi có sự hỗ trợ mạnh mẽ về máy tính cũng như hệ thống thông tin địa lý GIS và viễn thám.  Tuy nhiên các phương pháp dự báo theo hướng mới này cũng mới bước đầu triển khai ở lưu vực Sông Hồng, Sông Cửu Long…Chưa có nghiên cứu nào theo hướng này được triển khai đưa vào dự báo tác nghiệp ở khu vực Tây nguyên nói chung và lưu vực Srêpôk nói riêng. Từ thực tế đó, đã ứng dụng thành công mô hình mã nguồn mở HYPE với dữ liệu mưa toàn cầu để dự báo nguồn nước mặt lưu vực sông Srêpok, nghiên cứu xây dựng khung nội dung bản tin thông báo, cảnh báo, dự báo TNN mặt lưu vực sông.

Kết quả của mô hình bao gồm: Các chỉ tiêu đánh giá mô phỏng (NASH, RMSE, độ lệch chuẩn giữa các giá trị thực đo, mô phỏng…), Bốc thoát hơi nước, Dòng chảy tràn trên bề mặt và dòng chảy tại cửa ra từng lưu vực, Lượng nước tích lũy từng lưu vực, Kết quả vận chuyển chất dinh dưỡng hàng năm của từng lưu vực và từng nguồn rất chặt chẽ.

(Hải Lý)