There are no translations available.
Trả lời:
Hà Nam là 1 tỉnh vùng chiêm trũng, thuộc vùng đồng bằng sông Hồng với địa hình lòng chảo. Hà Nam có mật độ lưới sông trung bình từ 0,5 – 1,2 km/km2; các sông đều chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam.
Đặc điểm nguồn nước sông:
- Sông Hồng trên lãnh thổ tỉnh Hà Nam có chiều dài 37,8 km chảy qua huyện Duy Tiên và huyện Lý Nhân (ở hữu ngạn) theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Sông có vai trò tưới tiêu quan trọng và tạo nên những bãi bồi màu mỡ với diện tích gần 10.000 ha. Tổng lượng nước sông Hồng chảy qua địa bàn tỉnh là 47,05 tỷ m3, với tiềm năng có thể khai thác từ sông Hồng là 4,7 tỷ m3. Qua số liệu quan trắc định kỳ hàng năm của Sở Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2015-2018 cho thấy chất lượng nước sông Hồng qua tỉnh Hà Nam đang ở mức ô nhiễm nhẹ. Kết quả phân tích chất lượng nước năm 2018: nồng độ BOD5, COD, NO2-, NH4+ đều vượt giới hạn cho phép từ 1,3 – 3 lần. Diễn biến nước sông Hồng mức độ ô nhiễm các thông số chất hữu cơ năm 2018 có xu hướng giảm so với các năm trước, tuy nhiên nồng độ các chất vẫn còn cao so với quy chuẩn QCVN 08-MT:2015/BTNMT.
- Sông Đáy là một nhánh của sông Hồng, trên địa phận tỉnh Hà Nam sông Đáy có chiều dài 47 km chảy qua các huyện Thanh Liêm, TP Phủ Lý và huyện Kim Bảng theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Qua số liệu quan trắc định kỳ hàng năm giai đoạn 2015-2018 cho thấy chất lượng nước sông Đáy qua tỉnh Hà Nam đang ở mức ô nhiễm. Kết quả phân tích chất lượng nước năm 2018: nồng độ BOD5, COD, NO2-, NH4+ đều vượt giới hạn cho phép từ 1,6-6,7 lần. Diễn biến nước sông Đáy mức độ ô nhiễm các thông số chất hữu cơ năm 2018 có xu hướng giảm so với các năm trước, tuy nhiên nồng độ các chất vẫn còn cao so với quy chuẩn QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Chất lượng nước bị ô nhiễm nặng, cần có các biện pháp xử lý.
- Sông Nhuệ là phân lưu bên bờ hữu sông Hồng dẫn nước sông Hồng từ Hà Nội đi vào Hà Nam sau đó đổ vào sông Đáy ở TP Phủ Lý. Sông Nhuệ trong địa phân tỉnh Hà Nam có chiều dài 13 km đi qua TP Phủ Lý và các huyện Duy Tiên và Kim Bảng. Chất lượng nước sông Nhuệ đang ở mức ô nhiễm. Kết quả phân tích chất lượng nước năm 2018: nồng độ BOD5, COD, NO2-, NH4+, Coliform đều vượt giới hạn cho phép nhiều lần. Nước sông bị ô nhiễm do chịu tác động từ nguồn nước thải sinh hoạt xả thải trực tiếp ra sông. Nước thải và rác thải xuất hiện nhiều hơn ở những đoạn sông đông dân cư như chợ, trung tâm xã, huyện.
- Sông Châu Giang nằm trọn trong lãnh thổ tỉnh Hà Nam với chiều dài hơn 62,4km. Tại Tiên Phong (Duy Tiên) sông chia thành hai nhánh, một nhánh làm ranh giới giữa huyện Lý Nhân và Bình Lục và một nhánh làm ranh giới giữa huyện Duy Tiên và Bình Lục. Chất lượng nước sông Châu Giang đang ở mức ô nhiễm. Đặc biệt là nồng nộ NH4+ năm 2018 tăng đột biến do các đợt ô nhiễm nước từ Hà Nội đổ về. Nhìn chung nồng độ các chất vẫn còn cao hơn gấp nhiều lần giới hạn cho phép theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Tình trạng nước sông không đạt quy chuẩn để cấp nước sinh hoạt.
- Sông Duy Tiên đi qua địa phận huyện Duy Tiên: từ Bạch Thượng qua đập Phúc ra sông Châu Giang dài 18,3 km, đồng thời là ranh giới tự nhiên giữa huyện Duy Tiên và huyện Phú Xuyên của thành phố Hà Nội. Theo các số liệu quan trắc cho thấy chất lượng nước sông Duy Tiên trong nhiều năm liền đều có đấu hiệu ô nhiễm. Các giá trị thông số đo đạc, phân tích đều vượt ngưỡng giới hạn cho phép của QCVN 08:2015/BTNMT. Nguồn nước sông Duy Tiên bị ô nhiễm phần lớn là do lượng nước từ Hà Nội đổ về. Các nguồn nước thải không qua xử lý hoặc xử lý không đạt chuẩn theo dòng chảy của sông đổ về sông Duy Tiên làm ô nhiễm nguồn nước. Để sông Duy Tiên được cải thiện về chất lượng nước thì cần phải có cơ chế phối hợp giữa ngành tài nguyên môi trường Hà Nội và ngành tài nguyên môi trường Hà Nam chặt chẽ hơn nữa trong vấn đề quản lý xả thải vào nguồn nước.
- Sông Sắt là chi lưu của sông Châu Giang trên địa phận huyện Bình Lục. Sông chảy theo hướng Bắc - Nam, nối từ sông Châu Giang đổ ra Sông Đáy. Sông có chiều dài 10 km trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Chất lượng nước sông Sắt đang ở mức ô nhiễm. Kết quả phân tích chất lượng nước năm 2018: nồng độ BOD5, COD, NH4+ đều vượt giới hạn cho phép từ 1,8-8,6 lần. Diễn biến nước sông Sắt mức độ ô nhiễm các thông số chất hữu cơ COD, BOD5, PO43- năm 2018 có xu hướng giảm so với các năm trước.
Đặc điểm nguồn nước hồ.

- Hồ chùa Bầu nằm trong khuôn viên của công viên Nguyễn Khuyến (phường Hai Bà Trưng, Hà Nam), một trong những vị trí đắc địa của TP Phủ Lý. Hồ có diện tích khoảng 5ha. Cuối năm 2009, hồ chùa Bầu được cải tạo, xung quanh hồ được có tường kè kiên cố.
Kết quả thu thập thông tin, số liệu quan trắc chất lượng nước và phân tích cho thấy chất lượng nước trên hồ chùa Bầu năm 2018 có 1 vài chỉ tiêu vượt quá giới hạn cho phép. 4/12 mẫu phân tích có nồng độ NH4+ vượt giới hạn, mẫu vượt cao nhất là 1,41 lần. Nồng độ NO2- dao động từ 0,010 ÷ 0,360 mg/L-N trong đó có 4/12 mẫu vượt giới hạn cho phép, mẫu vượt cao nhất là 7,2 lần. Nguyên nhân của sự ô nhiễm này là do nước thải sinh hoạt của thành phố Phủ Lý chưa được xử lý triệt để thải xuống hồ.
- Hồ Tam Chúc nằm trong khu du lịch quốc gia Tam Chúc thuộc thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng. Hồ Tam Chúc trước đây là một vùng ngập nước đá vôi với diện tích khoảng 500 ha. Số liệu quan trắc chất lượng nước và phân tích cho thấy chất lượng nước trên Hồ Tam Chúc bị ô nhiễm nhẹ. Các chỉ tiêu phân tích đa số đều nằm trong giới hạn cho phép, 1/12 mẫu có nồng độ DO, NO2-, NH4+ vượt giới hạn không đáng kể, từ 1,04-1,48 lần.
Ngoài 2 hồ chính nêu trên, trên địa bàn tỉnh Hà Nam còn có 13 hồ khác là: Hồ Vân sơn, Hồ Nam Trần Hưng Đạo, Hồ Bắc Trần Hưng Đạo, Hồ Vực Kiếu, Hồ Viện Lao, Hồ điều hòa Lam Hạ 1, Hồ điều hòa Lam Hạ 2, Hồ điều hòa Quang Trung và Hồ Minh Khôi, Hồ Ngũ Cố, Hồ Trứng, Ao Dong, Hồ Nam Công. Các hồ đều có chức năng điều hòa, tạo cảnh quan đô thị, phân bố tại thành phố Phủ Lý (9 hồ), huyện Kim Bảng (3 hồ), huyện Thanh Liêm (1 hồ). Tất cả các hồ chứa nước đều có chức năng nguồn nước là điều hòa, tạo cảnh quan môi trường.
Tóm lại, trên hầu hết các sông, hồ tỉnh Hà Nam nhiều thông số chất lượng nước đã vượt giới hạn cho phép, chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ. Mặt khác, tình trạng lấn chiếm bờ sông, bờ suối, san lấp ao, hồ trái phép để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở,... chưa được quản lý chặt chẽ dẫn đến tình trạng lấn chiếm sống suối, ao hồ diễn ra phổ biến từ nhiều năm qua. Vì lẽ đó, lập hành lang bảo vệ nguồn nước sông, hồ là việc cần phải làm. Điều đó góp phần quan trọng bảo vệ nguồn nước; phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam.