Nguyên nhân gây suy giảm trữ lượng nước dưới đất ở nước ta

Trả lời:

Sự suy giảm trữ lượng nước dưới đất được thể hiện thông qua sự hạ thấp mực nước, sự cạn kiệt các nguồn nước.

Theo thống kê tổng lượng khai thác nước dưới đất trên toàn lãnh thổ Việt Nam là 10.531.243 m3/ngày, trong đó vùng đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ là hai khu vực khi thác nhiều nhất với tổng lượng khai thác là 5.867.345 m3/ngày chiếm 55,71% tổng lưu lượng khai thác toàn quốc. Điển hình về tình hình khai thác nước của nước ta tập trung ở 2 thành phố lớn đó là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chính Minh, tổng lưu lượng khai thác tại 2 thành phố này hiện tại là 2.629.398 m3/ngày chiếm 24,97% tổng lưu lượng khai thác toàn quốc.

Thành phố Hà Nội nằm trong vùng đồng bằng Bắc Bộ gồm 3 tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích bở rời Đệ Tứ (Holocen – qh, Pleistocen trên – qp2, Pleistocen dưới – qp1) được ngăn cách với nhau bằng các lớp thấm nước yếu cấu tạo bởi các lớp đất đá hạt mịn (gồm sét, sét pha, sét bột có lẫn thành phần vật chất hữu cơ được xếp vào loại đất yếu). Các tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Đệ Tứ phân bố đến độ sâu khoảng 70 – 85m cách mặt đất. Nằm dưới các tầng chứa nước lỗ hổng, bở rời trong trầm tích Đệ Tứ là các trầm tích Neogen (gồm các lớp cuội sạn, cát kết xen bột kết, sét kết có tính phân nhịp với mức độ gắn kết yếu) hoặc trầm tích Trias (gồm đá vôi xám trắng, xám hồng có nơi xen đá vôi silic, sét vôi).

Hiện nay, tổng lượng nước ngầm khai thác cấp cho thành phố Hà Nội (kể cả khu vực đô thị và nông thôn và của cả tỉnh Hà Tây cũ) là khoảng 1.500.000 m3/ngày đêm (trong đó, các nhà máy nước của các Công ty cấp nước đang khai thác khoảng 750.000  m3/ngày đêm; các trạm cấp nước tập trung nông thôn, khu, cụm công nghiệp khai thác khoảng 250.000  m3/ngày đêm và khai thác nhỏ lẻ của các hộ gia đình, làng nghề khoảng 500.000 m3/ngày đêm), hầu hết các công trình cấp nước tập trung đô thị, nông thôn và các khu/cụm công nghiệp đều khai thác nước trong tầng chứa nước Pleistocen dưới (qp1), còn lại các giếng khai thác nhỏ lẻ phục vụ cấp nước hộ gia đình khai thác nước trong tầng chứa nước Holocen (qh) và tầng Pleistocen trên (qp2).

Tổng lưu lượng khai thác nước dưới đất đã được cấp phép khoảng 847.300 m3/ngày đêm với 329 giấy phép (trong đó: Sở Tài nguyên và Môi trường cấp 163 giấy phép với lưu lượng khai thác khoảng 75.000 m3/ngày đêm, các Quận, huyện cấp 117 giấy phép với lưu lượng khoảng 1.300 m3/ngày đêm và Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp là 49 giấy phép với lưu lượng khoảng 771.000 m3/ngày đêm).

Hiện tại các bãi giếng khai thác lớn của khu vực Hà Nội chủ yếu là do Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội quản lý, vận hành. Các bãi giếng này phân bố chủ yếu dọc theo vùng ven sông Hồng (đoạn từ Thượng Cát đến Nam Dư) và một số bãi giếng nằm trong khu vực nội thành (Hạ Đình, Pháp Vân, Tương Mai, Ngọc Hà). Trong thời gian gần đây Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội đã tiến hành điều chỉnh lưu lượng khai thác tại một số bãi giếng theo hướng tăng lưu lượng khai thác các bãi giếng ven sông và giảm lưu lượng các bãi giếng nằm trong khu vực nội thành.

Cùng với việc xây dựng các công trình khai thác nước dưới đất, thành phố Hà Nội đã tiến hành xây dựng mạng quan trắc nước dưới đất, đồng thời khi tiến hành xây dựng mạng quan trắc Quốc gia nước dưới đất đồng bẳng Bắc Bộ cũng đã bố trí số lượng lớn công trình quan trắc trong khu vực thành phố Hà Nội và phụ cận. Đến nay trên địa bàn thành phố  Hà Nội có 28 trạm (48 công trình) quan trắc nước dưới đất trong mạng quan trắc Quốc gia và 64 trạm (114 công trình) quan trắc nước dưới đất trong mạng quan trắc của thành phố Hà Nội. Theo kết quả quan trắc mực nước dưới đất từ năm 1992 đến nay cho thấy tại khu vực thành phố Hà Nội hình thành phễu hạ thấp mực nước lớn có tâm trùng với khu vực trung tâm của thành phố Hà Nội. Diện tích phễu hạ thấp mực nước phát triển theo thời gian, tính từ năm 1992 đến nay vùng “phễu hạ thấp” có cốt cao mực nước 0 m tăng lên 1,5 lần; diện tích vùng có cốt cao mực nước -8m tăng lên 3 lần và diện tích vùng có cốt cao mực nước -14m tăng lên 5 lần. Giai đoạn 1992-1999 có tốc độ tăng chậm, giai đoạn từ năm 2000-2006 tốc độ tăng nhanh và có xu hướng dần ổn định từ năm 2007 đến nay. Tốc độ hạ thấp mực nước trung bình năm trong nước dưới đất khai thác chính trong khoảng từ 0,08 – 0,91m/năm, trung bình 0,3 m/năm.

Bản đồ phễu hạ thấp mực nước vùng nam Hà Nội 2/2014

Thành phố Hồ Chí Minh thuộc vùng Đông Nam Bộ là phần rìa của đồng bằng Nam Bộ, ở đây trầm tích Neogen – Đệ Tứ có chiều dày mỏng hơn các khu vực thuộc ĐBSCL. Thành phố Hồ Chí Minh cũng tồn tại 7 tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Neogen – Đệ Tứ (tầng Holocen – qh , Pleitocen trên – qp3, Pleitocen giữa trên – qp2-3, Pleitocen dưới – qp1, Pliocen trên – n22, Pliocen dưới n21 và Miocen trên – n13) được ngăn cách với nhau bởi các lớp thấm nước yếu. Chiều sâu phân bố của các tầng chứa nước đến độ sâu khoảng từ 124 – 370m. Các tầng chứa nước trong trầm tích Neogen – Đệ Tứ cấu tạo chủ yếu từ thành phần đất đá bở rời hạt mịn đến thô gồm cát, cát pha bột sét, cát hạt thô, cát lẫn sạn sỏi…. Các tầng chứa nước ở thành phố Hồ Chí Minh có đặc điểm khá phức tạp, mức độ chứa nước không đồng nhất theo diện và theo cả chiều sâu, đồng thời trong các tầng chứa nước đều tồn tại các ranh giới mặn – nhạt gây nhiều khó khăn cho việc khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước.

Theo kết quả quan trắc từ năm 1995 đến nay cho thấy mực nước đưới đất ở hầu hết các tầng chứa nước (trừ tầng chứa nước Pleistocen) đều có xu hướng hạ thấp, kể cả ở các vùng mặn. Cụ thể, tốc độ hạ thấp mực nước tại các khu vực huyện Củ Chi trung bình 0,4-0,8m/năm; khu vực Bình Chánh trung bình 0,3-0,7 m/năm; khu vực quận 12 trung bình khoảng 1,3-1,5 m/năm. Các khu vực có tốc độ hạ thấp mực nước lớn thường tập trung ở các khu vực lượng khai thác lớn (Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, Thủ Đức, Quận 12).

Những kết quả nghiên cứu và theo dõi diễn biến tiêu cực của phễu hạ thấp mực nước cho thấy sự khai thác quá mức, tập trung trong khu vực các thành phố lớn sẽ làm hạ thấp mực nước trên diện rộng. Đây là nguyên nhân gây suy thoái nguồn nước dẫn đến giảm hiệu suất và lượng khai thác, tăng khả năng ô nhiễm và lún nền đất. Những động thái và cảnh báo này hết sức quan trọng cần được theo dõi liên tục để điều chỉnh chế độ, vị trí khai thác hợp lý nhằm bảo vệ nguồn nước.