Sự cần thiết hoàn thiện quy định về dự báo, cảnh báo tài nguyên nước

Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển dân số cùng với việc gia tăng các nhu cầu sử dụng nước phục vụ các hoạt động dân sinh kinh tế, khan hiếm, ô nhiễm tài nguyên nước cùng với biến đổi khí hậu toàn cầu làm cho vấn đề tài nguyên nước trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Vì vậy vấn đề dự báo, cảnh báo về những diễn biến tài nguyên nước trong tương lai đã trở thành vấn đề vô cùng quan trọng trong quản lý tổng hợp tài nguyên nước, phát triển ổn định kinh tế-xã hội. Để có được điều này, cần phải trang bị hành lang cơ sở pháp lý và các quy định kỹ thuật đầy đủ tức là phải có công nghệ, thiết bị, nhân vật lực, phương pháp, quy trình kỹ thuật, đặc biệt là cơ sở pháp lý, quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng… đối với từng loại hình dự báo cảnh báo để triển khai công tác cảnh báo dự báo tài nguyên nước.
Trên thế giới, các quôc gia có nền khoa học kỹ thuật phát triển như Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Úc, Thụy Điển…, công tác dự báo cảnh báo tài nguyên nước đã ở trình độ cao, các kết quả dự báo tài nguyên nước có độ tin cậy, phục vụ nhanh chóng kịp thời. Các thông tin dự báo, cảnh báo chi tiết về tài nguyên nước tại các lưu vực sông trên toàn quốc được cập nhật thường xuyên và đưa lên các website để tra cứu, lập kế hoạch sử dụng, quản lý và phân bổ nguồn nước giữa các lưu vực sông một cách hợp lý, áp dụng hiệu quả vào thực tiễn. Để có được kết quả như trên, các văn bản, quy định đã được ban hành từ khá sớm dưới dạng policy (luật), act (quy định) hoặc guidance (hướng dẫn)…
26dth
Ở nước ta việc nghiên cứu và dự báo tài nguyên nước được quan tâm khá sớm vào năm 1960-1975, tuy nhiên thời điểm này có rất ít các quy định, văn bản hỗ trợ cho công tác thông báo, cảnh báo và dự báo tài nguyên nước, mới chỉ nghiên cứu ứng dụng với các phương pháp cho bài toán dự báo, chưa cụ thể hóa thành các quy trình, quy định rõ ràng. Phương pháp sử dụng thời bấy giờ chủ yếu dựa trên diễn biến lịch sử, phân tích lũy tích và kinh nghiệm thực tế. Từ năm 1975 đến những năm 1990 công tác dự báo đã có nhiều bước tiến do ứng dụng kỹ thuật máy tính, phát triển được dự báo tài nguyên nước ngắn hạn, dự báo vừa trong 5-10 ngày, dự báo hạn vừa và hạn dài bằng các mô hình thủy văn thông số như: mô hình TANK (Nhật Bản); mô hình NAM (Đan Mạch); mô hình thủy văn thông số phân bố MARINE (Pháp), Mô hình WETSPA (Bỉ)…Các quy định, văn bản có liên quan hiện nay chủ yếu được xây dựng để phục vụ cảnh báo dự báo khí tượng thủy văn.
Dự báo, cảnh báo tài nguyên nước là bài toán hết sức phức tạp vì phải  xem xét đến tài nguyên nước lục địa bao gồm nước mưa, nước mặt, nước dưới đất và tài nguyên nước biển. (ở đây giới hạn chưa xem xét đến tài nguyên nước biển). Ngoài xem xét dự báo được tổng lượng, chất lượng tài nguyên nước tự nhiên, còn phải xem xét đến biến động, tiềm năng, lượng khai thác sử dụng tài nguyên nước. Do vậy, để bổ sung, hoàn thiện các quy định về dự báo cảnh báo tài nguyên nước, cần phải có cách tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực kết hợp tạo nên sự thống nhất, tránh chồng chéo.
Hiện nay để cảnh báo dự báo về khí tượng, thủy văn đã có Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương thuộc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, nay là Cục Khí tượng Thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã phát triển gần 100 năm trong công tác cảnh báo, dự báo khí tượng và thủy văn. Chính vì ngành dự báo khí tượng thủy văn đã có từ lâu đời nên hiện nay các quy định quản lý, kỹ thuật bao gồm quy trình tác nghiệp, phương pháp, thông tư, định mức nên rất thuận lợi cho công tác dự báo tác nghiệp cũng như thực hiện các dạng công tác khác thuộc lĩnh vực khí tượng thủy văn. Do vậy, cần nghiên cứu các văn bản, thông tư, nghị định này để nhóm tác giả nghiên cứu xây dựng quy định cảnh báo dự báo tài nguyên nước. Đề tài:” Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm đề xuất bổ sung, hoàn thiện quy định về dự báo, cảnh báo tài nguyên nước” thực sự rất cần thiết.